Chương trình nông thôn miền núi 1998-2015: Tổng kinh phí đầu tư gần 2.800 tỷ đồng
Thực hiện trong giai đoạn 1998-2015, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ HK&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi) đã triển khai được 845 dự án với tổng kinh phí  gần 2.800 tỷ đồng, chuyển giao 4.716 lượt công nghệ vào thực tiễn, xây dựng 2.501 mô hình sản xuất, thu hút được gần 130.000 người tham gia lao động sản xuất.
Ngày 18/6, Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ HK&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi” (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi) giai đoạn 1998-2015 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.
“Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ HK&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi” là chương trình có tính chất liên ngành, liên vùng, được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi.
Từ năm 1998 đến nay, Chương trình đã phát triển qua ba giai đoạn: Giai đoạn từ 1998-2002 (theo Quyết định số 132/198/QĐ-TTg ngày 21/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ); Giai đoạn từ năm 2004-2010 (theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 05/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ) và Giai đoạn từ năm 2011-2015 (theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010). Tổng số dự án triển khai tại 62 tỉnh, thành phố là 845 dự án với tổng kinh phí là 2.745,938 tỷ đồng, trong đó 258 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, 83 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 107 dự án thuộc lĩnh vực thủy sản, 129 dự án trong lĩnh vực trồng trọt kết hợp chăn nuôi, thủy sản, 122 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học và 53 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ bảo quản, chế biến. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương là 1.081,181 tỷ đồng (chiếm 39.4%) và huy động từ doanh nghiệp, ngân sách địa phương… là 1.664,758 tỷ đồng (chiếm 60,6%).
Đến nay, Chương trình đã chuyển giao được 4.716 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1725 cán bộ quản lý KHCN ở địa phương, xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất, thu hút được 29.170 lao động trực tiếp và 99.473 lao động gián tiếp tham gia; góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản của các địa phương, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư ở nông thôn, miền núi- vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó Chương trình còn một số hạn chế tồn tại như: Nguồn nhân lực lao động nhiểu nơi dân trí còn thấp, ảnh hưởng tới việc tiếp thu các tiến bộ KH&CN, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp; Quá trình tổ chức triển khai các dự án, phối hợp giữa Sở KH&CN với Bộ KH&CN chưa chặt chẽ dẫn đến kết quả triển khai một số dự án chưa cao; Thời gian bắt đầu phê duyệt dự án đến khi thực hiện dự án kéo dài (mất khoảng 1.5 năm) do vậy đa số dự án bị ảnh hưởng do tỷ lệ trượt giá cao hoặc lạc hậu về công nghệ chuyển giao; Nguồn ngân sách nhà nước dành cho chương trình (dưới 40%) còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu; Thời gian thực hiện dự án trung bình là hai năm nên chưa thể đánh giá được hiệu quả (trong khi nhiều dự án, nhất là dự án về cây trồng vật nuôi cần năm tới bảy năm áp dụng mới đánh giá được kết quả).
Trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ KH&CN đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình với nội dung đổi mới phù hợp tình hình phát triển hiện nay, kéo dài thời gian thực hiện chương trình trong giai đoạn tới ít nhất 10 năm, các dự án thuộc chương trình có thể kéo dài trên 5 năm nếu cần thiết; Nâng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình (dự kiến tăng tối thiểu 50% ) so với giai đoạn 2011-2015; Hỗ trợ kinh phí mạnh hơn trong triển khai áp dụng KH&CN đối với các dự án khuyến nông, khuyến công, xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền phổ biến kiến thức; Chủ động tìm kiếm công nghệ, tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết ứng dụng chuyển giao đáp ứng nhu cầu của địa phương đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm, giải mã và tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ có hiệu quả…
Bên lề hội nghị, nhiều đơn vị tham gia dự án của Chương trình cũng trưng bày, triển lãm nhiều sản phẩm nổi bật như các loại gạo, khoai tây, dược liệu, gạch, phân hữu cơ vi sinh…