Còn nhiều thách thức trong giảm thiểu nạn phá rừng 

Sau gần hai mươi năm, việc phân bổ nguồn vốn hạn chế của REDD+, chương trình giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng của Liên Hợp Quốc, vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức. Tại sao lại như vậy? Và làm thế nào để cải thiện?

Trồng rừng ngập mặn ở Sóc Trăng. Nguồn: Tạp chí DN&TT.

Hiện hoạt động tại hơn 65 quốc gia, REDD+ cho phép những người bảo vệ rừng địa phương nhận được các khoản tiền – thường đến từ các nước phát triển. Mục đích là giúp việc bảo vệ rừng hấp dẫn hơn về mặt kinh tế so với việc phá rừng. Tổng giá trị các hoạt động của chương trình ước tính khoảng 2,9 tỷ USD. 

Một nghiên cứu của ĐH Lâm nghiệp Việt Nam vào năm 2020 đã phát hiện ra, chương trình Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng địa phương trong bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ở Việt Nam khi chi trả tiền dựa trên hiệu quả chăm sóc rừng. Tuy nhiên, tác động của khoản tiền này đến sinh kế của người dân thay đổi tùy theo địa phương. Ở những nơi có diện tích rừng lớn như Lâm Đồng, khoản tiền này giúp thu nhập của các hộ gia đình tăng lên đáng kể. Nhưng ở các khu vực khác như Đắk Lắk, khoản tiền này không hấp dẫn bằng các phương án khác như trồng cà phê. 

Trên thực tế, việc triển khai REDD+ liên quan đến hoạt động của nhiều chủ thể với những vai trò và trách nhiệm khác nhau, từ các cấp chính quyền cao nhất cho đến cấp cơ sở. Do vậy, có sự bất đồng về việc ai sẽ nhận khoản tài trợ. Một số ý kiến cho rằng những người nắm giữ các quyền hợp pháp với đất đai và tích cực tham gia vào các nỗ lực giảm phát thải sẽ nhận tài trợ, tiêu biểu là những người nông dân sở hữu đất đai. 

Những người khác cho rằng các cộng đồng bản địa có mối liên hệ lịch sử với đất rừng của họ nên nhận được lợi ích. Số khác lại nghĩ nên trao các khoản tài trợ cho những thành viên nghèo nhất trong xã hội để REDD+ có thể giúp giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững.

Cũng có những bên cho rằng các tổ chức (bao gồm cả chính phủ) đóng vai trò điều phối REDD+ sẽ nhận tài trợ, đơn giản vì nếu không có họ, REDD+ sẽ không thể triển khai.

Những ý kiến khác biệt này khiến việc phân bổ nguồn vốn của REDD+ càng thêm phức tạp. Có ít nhất ba cách phân bổ quỹ REDD+.

1. Chi trả tiền mặt trực tiếp dựa trên hoạt động: Trả tiền cho hộ gia đình hoặc cá nhân dựa trên nỗ lực bảo vệ hoặc phục hồi rừng của họ là lựa chọn tốt nhất của REDD+. Đây cũng là phương pháp hiếm nhất và khó thực hiện nhất cho đến nay.

2. Không dùng tiền mặt/hiện vật nhưng cũng dựa trên hiệu quả hoạt động: Đây là lợi ích phổ biến nhất mà REDD+ đã tạo ra và phân phối. Với hình thức trả công không tiền mặt, người quản lý dự án sẽ cung cấp những phần thưởng sau khi hoàn thành một số điều kiện nhất định, như các hoạt động bảo tồn rừng thành công hoặc đáp ứng các mục tiêu môi trường cụ thể. 

REDD+ sẽ tác động đến cả rừng và cộng đồng địa phương. Ngoài việc bảo vệ cây cối hay chấm dứt nạn phá rừng, chương trình cũng hướng đến việc cải thiện cuộc sống của người dân bằng cách đáp ứng các nhu cầu kinh tế và xã hội của họ. Lợi ích không chỉ dừng lại ở tiền – chúng còn giải quyết các vấn đề quan trọng của cộng đồng.

3. Trả trước để thúc đẩy hiệu suất: Đây là những khoản tiền trả trước do nhà tài trợ hoặc chính phủ chi trả để giúp những cá nhân vượt qua những tổn thất tiềm ẩn do chuyển đổi phương thức sử dụng đất. 

Dù có vẻ không lý tưởng song ở một số nơi, nếu không có khoản trả trước này, họ sẽ không thể tham gia REDD+. Trong chương trình REDD+ Việt Nam, chính phủ đã cam kết phân bổ 1,8 triệu USD (3,5% trong tổng số tiền thanh toán ròng là 51,5 triệu USD) để tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị REDD+ ở cấp quốc gia.

Điều quan trọng là phải có một quy trình công bằng để phân bổ quỹ REDD+ có tính đến các mục tiêu khác nhau và lợi ích của tất cả các bên liên quan. Chúng ta nên đảm bảo chia sẻ lợi ích một cách công bằng và bình đẳng trong thiết kế REDD+ bằng cách tuân theo các nguyên tắc rõ ràng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội. Những nguyên tắc này bao gồm việc xem xét sự đóng góp của tất cả các bên tham gia, đáp ứng nhu cầu và thúc đẩy bình đẳng.□

Thanh An lược dịch

Nguồn: https://theconversation.com/sharing-benefits-from-the-uns-deforestation-reduction-program-remains-challenging-heres-why-212133

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)