Công tác ngăn chặn và điều trị HIV/AIDS chưa đạt được nhiều tiến bộ
Báo cáo mới nhất của UNAIDS ghi nhận bước thụt lùi trong công cuộc ngăn chặn và điều trị HIV/AIDS trên toàn cầu bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có các dịch bệnh khác và xung đột, chiến tranh.
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) vừa công bố báo cáo Tình trạng nguy hiểm: Cập nhật về tình hình AIDS toàn cầu năm 2022. Nhìn chung, mục tiêu mà UNAIDS đặt ra – “chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng” vào năm 2030 – còn rất xa vời.
Năm ngoái, 1,5 triệu người bị nhiễm HIV, vẫn nhiều hơn 1 triệu người so với mức dự kiến phải đạt được vào năm 2025 để phù hợp với mục tiêu 2030. Và mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm so với năm 2020, nhưng mức giảm chỉ là 3,6% – thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.
Trong số 38,4 triệu người sống chung với HIV vào năm 2021, 10 triệu vẫn chưa nhận được thuốc kháng virus. Đặc biệt, theo UNAIDS, 52% trẻ em bị nhiễm bệnh đang không được điều trị. “Nếu những xu hướng này tiếp tục, chúng ta có thể thấy thêm 7,7 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong thập kỷ này,” Giám đốc UNAIDS Winnie Byanyima cho biết tại cuộc họp báo công bố báo cáo. “Đây là tình hình đáng báo động.”
Công tác ngăn chặn và điều trị HIV/AIDS không đạt được nhiều tiến bộ một phần do đại dịch COVID-19. Viện trợ quốc tế và chi tiêu của các nước cho HIV/AIDS đều đang giảm. Báo cáo của UNAIDS cũng lưu ý rằng cuộc chiến ở Ukraine đã gây thiệt hại đặc biệt nặng nề đối với các nguồn lực y tế ở đó và có thể sẽ còn ảnh hưởng đến Đông Âu và Trung Á do làn sóng tị nạn. Viện trợ quốc tế (trừ Mỹ) cho HIV/AIDS đã giảm 57% trong thập kỷ qua. Chi tiêu trong nước cho HIV/AIDS ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng giảm 2% trong năm ngoái.
Tại nhiều quốc gia, báo cáo lưu ý, tình trạng thiếu tiền mặt chỉ giải thích được một phần nguyên nhân công tác ngăn chặn và điều trị HIV/AIDS bị trì trệ. Các nhóm dân số dễ bị tổn thương chính (gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người bán dâm, những người tiêm chích ma túy và người bị giam giữ) thường xuyên phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và kỳ thị, cản trở các nỗ lực phòng ngừa và điều trị. Ở nhiều nước, vi phạm nhân quyền cũng ngăn cản khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; có tới 10% phụ nữ bị bạo lực tình dục từ bạn tình của họ; và ở khu vực cận Sahara, châu Phi, trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm HIV và tử vong do AIDS cực kỳ cao.
Byanyima nhấn mạnh rằng ngay cả khi các mục tiêu của UNAIDS không được đáp ứng trên phạm vi toàn cầu, chúng vẫn truyền động lực cho các quốc gia. Ví dụ, trong 6 năm qua, số ca nhiễm mới HIV giảm hơn 45% ở Lesotho, Việt Nam và Zimbabwe. Trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong do lao liên quan đến HIV đã giảm 62% trong thập kỷ qua, nhờ việc tăng cường sử dụng cả liệu pháp dự phòng và thuốc kháng virus, gần đạt mục tiêu năm 2025 là giảm 80%.
Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đánh giá cao việc báo cáo UNAIDS sẵn sàng ghi nhận bước thụt lùi trong phản ứng với HIV/AIDS, đồng thời lưu ý rằng bệnh đậu mùa khỉ cũng có nguy cơ làm giảm sự chú ý đến HIV/AIDS. “Chúng ta phải chiến đấu gấp đôi để đưa HIV trở lại tiêu điểm, nó đã ở đây trước COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ, và nó sẽ ở đây sau COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ. Không thể mất cảnh giác và nói rằng đã đạt được mục tiêu ngăn chặn HIV/AIDS,” Fauci nói.
Trang Anh
(Visited 2 times, 1 visits today)