Cuộc chiến sau lưng tôi

Trong tháng 11, năm 2008, một nữ phóng viên rất có tiếng, đã từng đoạt giải Pulitzer trước đây, cô Deborah Nelson, đã cho ra đời một cuốn sách, làm rất nhiều người chú ý. Cuốn sách có nhan đề là “The War Behind Me: Vietnam Veterans Confront the Truth About U.S. War Crimes” (tạm dịch Cuộc Chiến Sau Lưng Tôi: Cựu chiến binh từ VN đối mặt với sự thật về tội ác chiến tranh của Mỹ) chỉ là một cuốn sách nhỏ (296 trang; Basic Book, 26.95 USD) góp mặt vào cả hàng trăm hàng ngàn cuốn sách đã được viết về cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam những thập niện 60-70.

Điểm đặc biệt của cuốn sách này là tuy nhỏ mà rất súc tích so với các sách khác viết về chiến tranh Mỹ-Việt. Tác giả viết không để tìm nguyên nhân cuộc chiến, không biện luận Mỹ đã được hay thua, không tìm cách giải thích cơ sự đã xảy ra thế nào, không tìm cách đổ lỗi cho người này người nọ, phe này phe nọ, không nghiên cứu chiến lươc, khả năng quân sự của hai phe đối đầu để học hỏi làm tài liệu giảng dạy tại các trường cao đẳng quân sự, cũng không đưa ra những quân nhân anh hùng đáng ghi vào lịch sử của Mỹ – một điều rất thời thượng trong cái xã hội rất hâm mộ anh hùng đủ loại này – và tất nhiên cũng không thảo luận đến cái chuyện vô bổ là phải đặt tên cho cuộc chiến này là gì cho có chính danh, như một số người đã làm.

Cô viết sách này để ghi chép lại những điều cô đã tìm thấy về những tội ác của quân đội Hoa Kỳ đối với nhân dân Việt Nam trong khi họ tác chiến tại đây, những tội ác chưa từng bao giờ được phanh phui ra ánh sáng. Vì một sự tình cờ mà cô đã đọc được những tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chứa đựng những báo cáo của mọi cấp bậc, lên đến các tướng lĩnh, bộ trưởng, về những cuộc điều tra không đi đến đâu và về những cố gắng bao che của các cấp lãnh đạo quân sự cũng như chính trị Hoa Kỳ về những tội ác đó.

Sự hình thành của cuốn sách – Có thể nói tiến trình sự việc đưa đến sự hình thành của cuốn “The War Behind Me” của Nelson là như sau:

·                    Năm 1969, nhà báo Seymour Hersh đăng lên một tin động trời về một cuộc thảm sát tại một làng nhỏ cao nguyên Trung phần là làng Mỹ Lai. Bài báo này với đầy đủ hình ảnh lính Hoa Kỳ châm lửa đốt nhà, cả trăm người dân vô tội, đàn bà, trẻ con bị bắt dồn vào một chỗ, rồi bị bắn giết và đẩy xuống những hố sâu. Lục quân Hoa Kỳ đã làm cuộc điều tra và bốn tháng sau đã phải công nhận là chuyện đó có xảy ra thật như vậy và đã được các cấp trên bao che. Sau cuộc điều tra, vào năm 1970, chỉ có một quân nhân bị kết tội cố ý giết người – trung úy William Calley – và bị kết án tù chung thân. Tổng thống Nixon lập tức can thiệp và Calley chỉ phải ở tù có 4 tháng rưỡi.

 

·                    Sau đó, Lục quân Hoa Kỳ bí mật tiếp tục cuộc điều tra rộng lớn hơn cho toàn cuộc chiến. Sau 5 năm làm việc trong bóng tối, họ đã thu thập thành một hồ sơ khoảng 9.000 trang về những tội ác, những hành động dã man của quân đội Hoa Kỳ. Cuộc điều tra ấy không được phơi bày ra ánh sáng và cũng không đưa đến sự truy tố những kẻ chủ mưu quan trọng nào,

·                    Bài báo của Hersh có một tác đông mạnh mẽ vào lương tâm mọi người, đặc biệt cho cô Kali Tal, một nữ phóng viên của một tờ báo địa phương.. Đến năm 1990, cô nghe phong phanh có hồ sơ mật đó. Cô đã viết cho cơ quan Quản trị Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia (the National Archives and Records Administration) yêu cầu được xem. Khoảng một năm sau, cô được phép đến xem. Xem song, cô rất kinh hoàng và viết một bài trên tờ báo của cô, cốt báo động cho mọi người biết sự hiện hữu của xấp hồ sơ quan trọng đó. Cô không làm gì khác hơn. Bài báo của cô, của một nhà báo không tên tuổi, đăng trên một tờ báo nhỏ ở địa phương đã không đem lại một tiếng vang nào. Không ai để tâm đến và thùng hồ sơ này lại được khép kín trong cơ quan Quản trị Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia.

·                    Phải 10 năm sau, một nhân viên của cơ quan Quản trị Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia, ông  Cliff Sdnyder nói tới hồ sơ này khi gặp một nhà khảo cứu chuyên về lịch sử quân sự, Nicholas Turse. Ông này quen biết cô Nelson, hồi đó làm cho Los Angeles Times. Thế là hai người cũng nhau đào bới hồ sơ đó, lúc này đã được giải mật, để tại Đại học Michigan, và đem ra ánh sáng “những chuyện muôn đời không nói năng” này.

Sau khi tham khảo đầy đủ hồ sơ, hai người bắt đầu tìm kiếm những cựu chiến binh Hoa Kỳ có liên quan, những người đã đứng ra tố giác cũng như những người bị tố giác đã giết những nông dân Việt Nam vô tội. Ở đây người ta mới thấy cô Nelson quả là một thiên tài điều tra vì cô đã biết cách nói sao cho những người trong lòng đầy mặc cảm tội lỗi, sợ hãi, căm thù, chịu nói ra, nói hết ra những tâm tư giấu kín trong lòng từ cả mấy chục năm qua. Chỉ những chi tiết nhỏ nhặt này cũng làm người đọc thích thú. 

Cô Nelson mở đầu cuốn sách của mình bằng những lời thú tội của Jamie Henry. Anh này đã tham dự cuộc thảm sát ngày 8 tháng 2, 1968, trong đó đơn vị anh đã giết chết 19 người nông dân Việt Nam bình thường, không phải là quân du kích. Tuy sợ bị trừng phạt , nhưng anh đã bạo dạn báo cáo chuyện đó lên cấp trên. Một năm sau, anh được cho giải ngũ trong danh dự, lúc đó anh mới 20 tuổi. Thật là khó nói ra cho một ông già 60 tuổi kể chuyện mình đã giết người thế nào 40 năm trước.

Sau đó cô Nelson cũng đã sang Việt Nam thăm thú các làng mạc đã từng là những pháp trường của quân đội Hoa Kỳ – kể cả cái thôn nhỏ mà Jamie Henry đã làm đổ máu 19 thây người – để chụp ảnh và nói chuyện với dân làng, những người còn sống sót.

Cô Nelson đã thấy những gì? – Đọc 9.000 trang hồ sơ đã được giấu nhẹm cả chục năm, cô Nelson đã thấy có rất nhiều chuyện kinh hoàng mà cô nghĩ mọi người cần được biết.

·                    Cô thấy có báo cáo lên thượng cấp nói rằng nông dân Việt Nam, cả đàn bà lẫn trẻ con được quân đội Hoa Kỳ xua đi trước thay thế cho máy dò mìn. Mìn nổ tung, nông dân chết gục, lính Mỹ thản nhiên bước qua. Nhiều đứa trẻ đang câu cá hay chăn vịt ngoài ruộng cũng bị bắn chết khi quân Mỹ đi qua.

·                    Cô đọc nhiều báo cáo nặc danh ký tên “một trung sĩ quan tâm”, trình thượng cấp, tả cảnh nhiều vụ tàn sát, nhiều quá đến nỗi anh cho rằng “mỗi tháng là có một Mỹ Lai”. Anh ta viết: “Nhóm xạ thủ của chúng tôi nói tới chuyện kiếm mề đay dễ dàng. Giết được bao nhiêu VC thì một mề đay đồng, hơn bao nhiêu nữa thì được mề đay bạc. Nhiều khi, họ mang súng ra ngoài đồng, ban ngày cũng như ban  đêm, với ống nhắm trong đêm tối, bắn bỏ những ai trong tầm 3, 4 trăm thước, bất kể có  là VC hay không, lục soát có giấy tờ hay có khí giới hay không”.

·                    Năm 1970, tờ Newsweek ước định rằng chỉ trong 6 tháng, năm 1968, phải “có cả ngàn nông dân Việt Nam” bị quân đội Hoa Kỳ thẳng tay giết hại.

·                    Tài liệu tra tấn tù binh được ghi chép đầy đủ, phương pháp cho ngộp nước – được gọi là “waterboarding”, trái với Hiệp Định Genève mà Mỹ đã ký kết – là chuyện thông thường. Trường hợp quan trọng nhất là đưa đến sự trừng phạt một quân nhân chuyên việc tra tấn tù nhân lấy cung, bị tuyên án phạt 20 năm khổ sai, vì đã hãm hiếp một em gái 13 tuổi bị bắt về, thế nhưng sau đó, tên hiếp dâm em bé đã chỉ ngồi tù 7 tháng 16 ngày, vì người ta không muốn làm to chuyện.

·                    Lại còn chuyện của một người, có bố là một thủy quân chuyên nghiệp, kể lại. Vào năm 1966, bố anh được một người bạn mới từ Việt Nam trở về đến thăm. Ông bạn này mang theo nhiều tấm hình chụp để chiếu lên tường cho mọi người xem. Anh kể: “Tấm hình thứ nhất là ảnh chụp chính ông ta hãnh diện đứng trên một đống xác chết VC. Tấm thứ hai chụp mấy quân nhân khác, đứng khoe những dây chuyền đeo trên cổ, làm bằng tai người xẻo từ tai quân địch bị giết. Xem đến đấy, tôi lợm giọng”.

Đọc đoạn này lại khiến người ta nghĩ đến một lãnh tụ trong đám quân nhân giải ngũ, rất phẫn nộ, sau khi ở Việt Nam về, đã trở nên một nhân vật nổi tiếng, sau khi ông ra trước Ủy ban Liên lạc Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ (Senate Foreign Relations Commitee) tường trình. Bản tường trình của ông là dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân ông tại chiến trường Việt Nam, cũng như của trên 150 quân nhân mới giải ngũ, mà nhiều người đã được những huân chương cao quý nhất. Tất cả đều là chứng nhân của những tội ác của quân đội Hoa Kỳ, không phải là một số tội ác lẻ tẻ, mà là tội ác xảy ra hằng ngày mà tất cả mọi người trong tất cả các cấp bậc của quân đội Hoa Kỳ, ai cũng biết. Ông nói “Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hãm hiếp đàn bà con gái, cắt đầu kẻ địch, kẹp dây điện của máy điện thoại dã chiến vào dương vật tù nhân rồi quay máy phát điện, chặt chân chặt tay họ, cho nổ tung xác chết, bắn bừa bãi vào thường dân, triệt hạ san bằng các làng mạc như quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn khi xưa, bắn giết trâu bò gà chó làm trò chơi vui, bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống, tàn phá những thôn quê Việt Nam vốn đã bị dội bom tan nát bởi quân đội chúng ta”. Ông còn nói đến những chiến thuật làm rợn tóc gáy mọi người như “thám sát bằng lửa” (reconaissance by fire) có nghĩa là bắn bừa bãi vào mọi chỗ khi tiến vào làng, “sách nhiễu và ngăn chặn bằng lửa” (harassment and interdiction fire) có nghĩa là dùng đại pháo bắn đều đều vào các làng xóm, “khám xét Zippo” (Zippo inspection) có nghĩa là chuẩn bị đốt nhà dân chúng, “cho đi mò tôm” có nghĩa là đẩy tù nhân từ trực thăng xuống đất, xuống biển. vân vân..

Ông này có tên là John Kerry, sau này đã trở thành một Thượng Nghị sĩ có tầm vóc lớn của Hoa Kỳ và từng là một ứng cử viên Tổng thống xứ này. Chính vì những lời cáo buộc chân thực, có lương tâm này mà năm 2004, khi ra tranh cử Tổng thống với ông Bush, ông đã bị phe đối thủ tố cáo là kẻ phản bội đã nói xấu quân đội, không xứng đáng làm Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia. Những người này hẳn coi sinh mạng của nông dân Việt Nam vô tội là đồ bỏ và giết chết người dân Việt Nam, kể cả ông già bà cả, đàn bà trẻ con, là chuyện không phải quan tâm.

·                    Cô Nelson đã đọc hồ sơ của khoảng 800 vụ, trong đó 300 vụ được chắc chắn là cố ý vô cớ giết người. Còn những vụ khác thì được cho là chưa đầy đủ để kết luận. Tuy nhiên, theo nhận định của những quân nhân giúp cô xem hồ sơ thì những con số ấy chỉ là con số nhỏ rất xa sự thực.

Tại sao có quá nhiều “Mỹ Lai” như thế mà dân chúng Hoa Kỳ chẳng ai biết đến? Hoặc giả với những người quan tâm đến chiến cuộc, người ta chỉ biết đến Mỹ Lai của trung uý Calley, của một tiểu đoàn láo lếu thôi, mà thực ra tất cả các sư đoàn đều có mặt tham dự các vụ thảm sát?

·                    Việc đầu tiên người ta phải nghĩ đến là chiến lược chống du kích của Hoa Kỳ, của ông Tổng Tư lệnh, tướng William C. Westmoreland thời đó. Chính sách căn bản là dùng số quân địch bị giết làm thước đo sự thành công của mỗi chiến dịch, được gọi là “body counts”. Đơn vị nào báo cáo càng giết được nhiều kẻ địch bao nhiêu, dựa theo số tử thi đếm được, thì lại càng được trọng thưởng bấy nhiêu. Thảm trạng xảy ra cho dân Việt Nam ở đây là các tướng lãnh quân sự ở Việt Nam đã coi rẻ sinh mạng con người Việt Nam, đã để các đơn vị tác chiến tự do hành xử báo cáo về thượng cấp số “body counts”, bất cần phân biệt “Vi Xi” hay thường dân. Kết quả là các đơn vị tác chiến, của mọi sư đoàn có mặt đều thi nhau báo“body counts” của đơn vị mình để lấy điểm. Trong một cuộc hành quân, gọi là Speedy Express, kết toán “body counts” lên tới 11,000 xác chết, trong khi số vũ khí tịch thu được chỉ là 748. Ngoài ra, cô Nelson thấy tài liệu ghi chi tiết rằng “đại đội thứ năm Thủy quân Lục chiến báo cáo đã giết được 278 tên địch trong một trận đánh ở An Hòa, nhưng chỉ thu được 18 vũ khí tại chiến trường”.

Như vậy thì làm sao không thể có “mỗi tháng một Mỹ Lai” được?

·                    Sau đó, người ta phải nghĩ đến ảnh hưởng của mệnh lệnh của Tổng thống Nixon, khi thấy báo chí có thể có ảnh hưởng bất lợi cho Chính phủ của ông. Ông ra lệnh: “Không được để cho Lục quân bị mang lên trang nhất (của báo chí)”. Quân đội thi hành mệnh lệnh này chỉ có cách là mỗi khi được báo chí hỏi về một trường hợp họ nghe phong phanh được thì phải tìm cách nhận chìm xuồng. Chúng tôi đang điều tra, chưa thể nói gì được. Để lâu c.. trâu hóa bùn. Chính sách này làm nản lòng những người quan hoài đến sự thật, những luật sư, công tố viên, bồi thẩm đoàn chán nản vì biết có nói lên, tìm cách tìm hiểu sự thật, mọi chuyện cũng sẽ chẳng đi đến đâu.

Với một chính sách bưng bít từ trên xuống dưới như thế thì làm sao dân chúng Hoa Kỳ biết tới được tầm mức tác phong dã man kinh tởm của quân đội nhà mà họ rất hãnh diện và cho rằng Mỹ Lai chỉ là một lầm lỡ lẻ tẻ, dễ hiểu khi phải chiến đấu với một kẻ địch sống với dân.

 Vài Suy Nghĩ tản mạn

Đến đây, tưởng cũng nên nhắc lại: a) Ông Tổng thống Bush, vào những năm gay cấn nhất của cuộc chiến ở Việt Nam (1968), hồi đó 22 tuổi, một “WASP” (white anglo-saxon protestant) chính hiệu, sinh trưởng trong một gia đình có máu mặt, sống trên nhung lụa, đã vào được Không lực của Vệ binh đoàn tiểu bang Texas, nên chỉ loanh quanh ở nhà không phải ra trận tại VN như các thanh niên đồng lứa; b) Ông Phó Tổng thống Dick Cheney thì đã xin được hoãn dịch năm lần, tránh bị đưa đi Việt Nam. Năm 1989, khi được hỏi trước Thượng viện về chuyện này thì ông đã trả lời đơn giản là trong những năm 60, ông có nhiều việc phải làm ưu tiên hơn là nghĩa vụ quân sự; c) Ông Tổng trưởng Tư pháp John Ashcroft thì cũng đã xin được sáu lần hoãn dịch vì khi đó ông đang dạy Luật Thương mại, trình độ cử nhân (undergraduate) tại Đại học Southwest Missouri State University; d) Còn ông Paul Wolfowitz, phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng, nổi tiếng “diều hâu”nhất trong Chính phủ Bush, nhưng đã không “diều hâu”chút nào đối với chiến tranh Việt Nam khi ông còn là sinh viên: ông đã liên tiếp xin được nhiều hoãn dịch để tiếp tục đi học.

Tinh thần và hành xử độc ác, bất nhân Guatanamo, Bagdhag Hilton hay Abu Ghraib của thế hệ này chỉ là sự nối dài vô lương tâm của tinh thần và hành xử độc ác, bất nhân Mỹ Lai của thế hệ trước mà thôi.

Thời buổi này, trong một thế giới nhỏ hẹp lại, Tổng Thống Hoa Kỳ cùng những cận sự viên là những người nắm trong tay một quyền hạn rất to lớn, hỗ trợ bởi một khả năng quân sự có sức tàn phá kinh khủng, có ảnh hưởng nặng nề tới, đôi khi còn trực tiếp chế ngự lên, đời sống của nhiều dân tộc trên thế giới. Số phận hẩm hiu của cả trăm ngàn người chết, cả triệu người Muslim phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi, sống vất vưởng trong những trai tỵ nạn ngoại quốc, tương lai mù mịt lại bị kỳ thị, tại nhiều nước Ả Rập Trung Đông, từ Palestine đến Iraq, qua Afganistan, là nhưng minh chứng rõ rệt. Chứng tích này đã được ông Muntadhir Al-Zaidi – một nhà báo vô tên tuổi người Iraq – gào to lên, trong một buổi họp báo của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ – Iraq, khi ông ném hụt đôi giày của ông vào mặt Tổng thống Hoa Kỳ.

Deborah Nelson – từng đoạt giải Pulitzer và bây giờ là giáo sư giảng nghiệm tại Đại học Maryland, trường Báo Chí. Cô cũng là cựu Chủ tịch hội các Phóng viên và Biên Tập viên chuyên về Điều tra, ngồi trong ban quản trị của Fund for Investigative Journalism. Cô hiện cư ngụ tại Takoma Park, Maryland.

Vẫn biết trách nhiệm chính của vị nguyên thủ quốc gia là phải bảo vệ quyền lợi nước mình. Nhưng khi nói đến quyền lợi quốc gia của nước Mỹ của chủ nghĩa Đại tư bản, thì mọi người đều hiểu phần chính yếu là quyền lợi của các nhóm tài phiệt Kinh tế, Tài chính trong nước (the American Establishment, the Wall Street). Nói đến quyền lợi của cái “Establishment” này mà lẽ sống của họ là làm ra tiền, càng nhiều càng tốt, thì vô bờ bến. Bởi vì lòng tham của những người có thật nhiều tiền như họ thì càng vô bờ bến. Lòng tham vô đáy của Wall Street, dùng thủ thuật “leverages” bừa bãi, vô trách nhiệm, đã là nguyên nhân chính của nền kinh tế khủng hoảng rộng lớn tại Hoa Kỳ và thế giới hiện nay.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)