Đại dịch khoét sâu thiệt thòi của trẻ em khó khăn
Báo cáo “Đánh giá nhanh tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em và gia đình tại Việt Nam” hoàn thành vào tháng 8 vừa qua của UNICEF cho thấy tác động rõ rệt của Covid-19 đến chất lượng chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em nói chung, đặc biệt là ở các khu vực bị cách ly, các nhóm trẻ em sống trong điều kiện khó khăn.
Phát khẩu trang và nước rửa tay cho trẻ em Điện Biên. Nguồn: dangcongsan.vn
Đại dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội đã gây xáo trộn đời sống của các gia đình và ảnh hưởng mạnh tới việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trong khi một số cơ sở chăm sóc sức khỏe bị quá tải do phải kiểm soát lây truyền Covid-19, các dịch vụ tiêm chủng thường quy tại Việt Nam đã tạm ngưng trong khoảng thời gian cách ly xã hội toàn quốc vào tháng tư vừa qua hoặc ở các vùng phải giãn cách, cách ly xã hội.
Ước tính, khoảng 100.000 bà mẹ và trẻ sơ sinh không được thăm khám trước và sau sinh vì giãn cách xã hội. Trong thời gian sau đó, đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội cũng đã làm gián đoạn lịch tiêm chủng của nhiều trẻ em, đặc biệt là ở những vùng trẻ em có tỷ lệ tiêm chủng thấp từ trước khi có đại dịch. Trong thời gian ảnh hưởng đại dịch số trẻ em dưới 5 tuổi đến khám và được tiêm chủng tại các trạm y tế xã đã giao động trong khoảng 48% đến 75% so với trước, khoảng 420.000 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm chủng phòng ngừa DPT-Hepb-Hib và b-OPV.
Mặt khác, do lo sợ lây nhiễm trong các cơ sở y tế, nhiều cha mẹ đã hoãn lịch tiêm chủng. Vì vậy, báo cáo cho rằng, chậm trễ tiêm chủng cho trẻ em có thể sẽ dẫn tới việc tái xuất hiện một số bệnh vốn có thể kiểm soát được tốt. Trong quý I năm 2020, có khoảng 2.132 ca nghi ngờ mắc sởi đã được phát hiện, trong đó 770 ca đã được lấy mẫu và 80% số này cho kết quả dương tính.
Đặc biệt, những khó khăn về chăm sóc y tế tập trung nhiều ở các nhóm trẻ em đã chịu thiệt thòi. Dịch Covid-19 đã dẫn tới yêu cầu hàng đầu là rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội nhưng trẻ em ở các khu vực thiếu nước sạch không thể thực hiện điều này. 95.600 gia đình thiếu nước uống và nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong đợt hạn hán nghiêm trọng ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 7% các hộ gia đình sống tại khu vực nông thôn Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long không thể tiếp cận nguồn nước uống và nước sinh hoạt hợp vệ sinh, còn 30% trường học tại những khu vực này không có nước chảy, khoảng 35% trạm y tế xã tại các tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, và Ninh Thuận cũng báo cáo về tình trạng thiếu nước hoặc nước uống và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trẻ em và các hộ gia đình này không có điều kiện thực hiện rửa tay và vệ sinh khác theo đúng khuyến cáo.
Về giáo dục, đại dịch cũng tiếp tục khoét sâu những thiệt thòi của các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Để đảm bảo giãn cách, cách ly xã hội, ngành giáo dục áp dụng phương thức học tập mới (trực tuyến, qua TV, đài và tài liệu) nhưng vô hình trung đưa tới một số thách thức liên quan đến khả năng tiếp cận và chất lượng học tập và giáo dục cho trẻ em. Ví dụ, khó áp dụng việc học trực tuyến với những nhóm trẻ thiệt thòi, đặc biệt các nhóm trẻ có các hoàn cảnh kinh tế xã hội đặc biệt (như trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ ở các hộ gia đình nghèo) do thiếu thiết bị, kết nối internet và kỹ năng số. Giáo viên, đặc biệt ở những vùng khó khăn, chưa được chuẩn bị tốt cho việc giảng dạy trực tuyến. Khoảng 93% giáo viên ở các vùng sâu vùng xa cho biết chưa từng sử dụng các công nghệ hiện đại trong lớp học trước đại dịch Covid-19. Khoảng 50% số người tham gia trả lời nghiên cứu này cho biết con họ học ít hơn hoặc không học gì trong suốt thời gian trường học đóng cửa. Bên cạnh đó, học sinh dân tộc thiểu số không thể tự học trực tuyến dựa vào tiếng mẹ đẻ vì thiếu các tài liệu học trực tuyến bằng tiếng dân tộc thiểu số.
BN