Đánh giá nguy cơ rủi ro từ các chất phụ gia ở các làng nghề tái chế

Ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống thông tin về các loại phụ gia trong môi trường các khu vực xử lý chất thải. Do đó, một nhóm các nhà nghiên cứu ở ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và các đồng nghiệp Nhật Bản đã thực hiện nghiên cứu về hiện trạng ô nhiễm một số chất phụ gia là hợp chất chống cháy halogen và hợp chất chống cháy cơ phốt pho cũng như ảnh hưởng của nó lên sức khỏe con người tại các làng nghề tái chế chất thải ở miền Bắc Việt Nam.

Nghề tái chế chất thải nhựa có thể đem lại thu nhập cho người dân song cũng góp phần phát thải nhiều loại chất ô nhiễm khác nhau. Nguồn: cafebiz.vn

Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên đi sâu vào xác định đặc điểm ô nhiễm hợp chất chống cháy halogen (HFR) và hợp chất chống cháy cơ phốt pho (OPE) từ quá trình xử lý chất thải điện tử, chất thải nhựa và xe cộ phi chính thức ở Việt Nam.

Để thực hiện nghiên cứu này, các tác giả đã lựa chọn lấy mẫu tại khu vực tái chế chất thải điện tử ở làng Bùi Dâu (Hưng Yên) và xe cuối vòng đời ở làng Thuyền (Bắc Giang) vào tháng 9/2019. Sau khi phân tích tại phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều hợp chất trong nhóm hợp chất chống cháy halogen và hợp chất chống cháy cơ phốt pho như  PBDEs, NBFRs, CFRs đều là những hợp chất giúp tăng cường khả năng chống cháy bằng tạo ra một lớp bảo vệ bề mặt các linh kiện điện tử hoặc đồ gia dụng, nội thất… Sau khi kết thúc quá trình sử dụng, các thiết bị, linh kiện… chứa các chất chống cháy này thường được thu thập và tái chế ở các làng nghề để tận dụng, tái sử dụng một số nguyên liệu thành phần như kim loại, nhựa… Trong quá trình xử lý không được kiểm soát tốt, việc phát thải khí, bụi chứa các hợp chất chống cháy đã xảy ra. Theo kết quả phân tích, nồng độ ô nhiễm cao nhất là PBDEs, tiếp theo là OPEs, NBFRs và CFRs. Nồng độ các chất chống cháy hợp chất chống cháy halogen và các hợp chất chống cháy cơ phốt pho tại nơi tái chế chất thải điện tử cao hơn chất thải từ xe máy, trong đó đáng chú ý là các hợp chất chống cháy cơ phốt pho ở các mẫu lấy từ cả hai làng nghề đều có sự khác biệt. Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng các dạng sử dụng khác nhau của các hợp chất vật liệu polymer với các mục đích sử dụng khác nhau như đồ điện tử, ô tô đã làm nên sự khác biệt này.

Mặt khác, tỷ lệ các hợp chất Cl-OPE trong bụi ở nơi tái chế xe cuối vòng đời cao hơn trong bụi ở nơi tái chế chất thải điện tử cho thấy nguồn gốc của nó là làm chất thay thế penta-BDE trong vật liệu xốp và vải Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể đi sâu vào phân tích các thông số cụ thể hơn do đặc điểm của các hoạt động xử lý chất thải phi chính thức ở Việt Nam là khó định lượng nguyên liệu đầu vào như các loại và thành phần polyme cùng với cấu hình của hợp chất chống cháy halogen và cơ phốt pho trong các nguyên liệu đó. Vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định đặc điểm ứng dụng và các mô hình phát thải của hợp chất chống cháy cơ phốt pho trong ngành công nghiệp ô tô và các hoạt động khác. May mắn nhất là chưa phát hiện thấy nguy cơ rủi ro nào lên sức khỏe con người do phơi nhiễm các hợp chất chống cháy này.

Để có được thông tin chiều sâu về hiện trạng ô nhiễm và xu hướng phát triển của các hợp chất chống cháy halogen và cơ phốt pho ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu trong cả thập kỷ về các hợp chất này và so sánh với kết quả hiện tại. Những thông tin rút ra từ đó rất thú vị, ví dụ trong các mẫu bụi từ các cơ sở tái chế, các hợp chất cũ như PBDE (đặc biệt là hỗn hợp deca-BDE) vẫn chiếm ưu thế, nhưng theo thời gian đã xuất hiện một lượng đáng kể các chất thay thế của chúng như DBDPE và TPHP. Sự hiện diện của hợp chất Octa-BDE và một số công thức thay thế (như BTBPE và OBIND) cũng được quan sát thấy ở các địa điểm tái chế chất thải.

Kết quả nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Environmental Pollution “Comprehensive characterization of halogenated flame retardants and organophosphate esters in settled dust from informal e-waste and end-of-life vehicle processing sites in Vietnam: Occurrence, source estimation, and risk assessment” (Đặc điểm toàn diện của các hợp chất chống cháy halogen và hợp chất chống cháy cơ phốt pho trong mẫu bụi từ các điểm tái chế chất thải điện tử và xe cuối vòng đời ở Việt Nam).□

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)