Đào tạo 1.800 người cho chương trình điện hạt nhân

Đến năm 2020, sẽ có 1.800 người được đào tạo chuyên sâu trong hai lĩnh vực quản lý nhà nước và nghiên cứu triển khai - hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả, an toàn, an ninh Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và chương trình phát triển điện hạt nhân của đất nước.

400 nhà quản lý và 1.400 nhà nghiên cứu – triển khai

Theo “Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu – triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân” (Kế hoạch) mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về lĩnh vực quản lý nhà nước phục vụ phát triển điện hạt nhân sẽ tập trung đào tạo 400 người. Trong số này có 50 người có năng lực chủ trì các nhóm chuyên môn/công việc, 100 người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và 250 người được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ sở cần thiết cho công việc.

Để có được đội ngũ này, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực đã được đề xuất, bao gồm năm nội dung chính: 1. Các nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); 2. Thẩm định, đánh giá an toàn nhà máy điện hạt nhân; 3. Cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân; thanh tra an toàn, quản lý chất lượng, quản lý môi trường và thanh sát hạt nhân; 4. Công nghệ, an toàn lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân và các lĩnh vực kỹ thuật liên quan; 5. Các nội dung quản lý và kỹ thuật cần thiết về thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành, quản lý chất thải phóng xạ nhà máy điện hạt nhân.

Trong lĩnh vực nghiên cứu – triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân, Kế hoạch đề ra mục tiêu đào tạo 1.400 người, bao gồm 50 người có năng lực chủ trì các nhóm chuyên môn, 400 người có năng lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và 950 người được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ sở chuyên ngành.

Những nội dung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực này tập trung vào hai mảng chính: 1. KH&CN hạt nhân, các lĩnh vực kỹ thuật về thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân; 2. An toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Tránh đào tạo “chay”

Về hình thức đào tạo hai nhóm nhân lực trong lĩnh vực quản lý nhà nước và nghiên cứu triển khai – hỗ trợ kỹ thuật, Kế hoạch đưa ra hai dạng đào tạo là ngắn hạn (dưới ba tháng) và dài hạn (từ bốn đến 12 tháng) với các trình độ cơ sở, nâng cao và chuyên sâu. Đặc biệt, để có được trình độ chuyên sâu, những học viên xuất sắc thuộc hai lĩnh vực này được tuyển chọn sẽ được tạo điều kiện cử đi học ở các viện nghiên cứu, trường đại học quốc tế. Dự kiến, sẽ có 200 lượt người theo hình thức đào tạo ngắn hạn và 40 lượt người đào tạo chuyên sâu dài hạn trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, sẽ có khoảng 370 lượt người đào tạo theo hình thức ngắn hạn và 60 lượt người đào tạo chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài.

Super computer tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), vốn được dùng để mô phỏng các quá trình trong các điều kiện khắc nghiệt mà nhà nghiên cứu không thể tiếp cận như các quá trình của một vụ nổ hạt nhân, mô phỏng diễn biến tai nạn của nhà máy điện hạt nhân. Nguồn: Viện KH&KTHN. 

Nhằm đảm bảo chương trình đào tạo có cả hai yếu tố lý thuyết và thực hành, Bộ KH&CN sẽ bổ sung các trang thiết bị, phương tiện giảng dạy, bao gồm thiết bị mô phỏng nhà máy điện hạt nhân, các chương trình tính toán, hệ thống công nghệ thông tin…, tránh để xảy ra tình trạng học “chay” hoặc sử dụng các trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu.

Song song với quá trình trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho các khóa học, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền KH&CN hạt nhân phát triển nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tăng cường trao đổi chuyên gia, tạo điều kiện cho các học viên xuất sắc của Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng ở các trường, viện có uy tín về điện hạt nhân.

Đa dạng hóa nguồn kinh phí đào tạo

Về kinh phí thực hiện Kế hoạch, các nguồn ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp KH&CN, nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế… sẽ được Bộ KH&CN huy động  tập trung đầu tư cho các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo. Đặc biệt, đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, việc lập dự toán ngân sách hàng năm được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước.

Về cách tổ chức thực hiện Kế hoạch, Bộ KH&CN có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện hoặc khi có yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và tổ chức phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)