Đặt tên GS. Đào Văn Tiến cho các cá thể của bốn loài động vật khác nhau
Nhiều năm sau khi qua đời, tên của giáo sư Đào Văn Tiến, nhà nghiên cứu góp phần đặt những viên gạch nền móng để xây dựng ngành sinh vật học Việt Nam, đã được đặt cho các cá thể của bốn loài động vật khác nhau.
Theo tài liệu của ĐHQGHN, khi là sinh viên Viện Đại học Đông Dương, giáo sư Đào Văn Tiến đã cùng các bạn cùng lớp tham gia nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư Boris Noyer, người phụ trách phòng thí nghiệm Sinh học và Y học. Kết quả của nghiên cứu về máu loài ba ba và sử dụng tim của nó trong sinh lí học đã được công bố trên tạp chí khoa học của Đại học Đông Dương năm 1943. Hai năm sau, ông xuất bản cuốn “Danh từ khoa học – Vocabulaire Scientifique – Vạn vật học (Sinh, Sinh lý, Động vật, Thực vật, Địa chất…)”, in tại NXB Minh Tân Paris XIV và đượcgiáo sư Hoàng Xuân Hãn viết lời tựa.
Trong giai đoạn kháng chiến, ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia giảng dạy ở trường Quân Y sĩ, trường Khoa học Cơ bản và Sư phạm. Sau năm 1954, khi trường Đại học Sư phạm & Khoa học được thành lập tại Hà Nội, ông giảng dạy tại khoa Khoa học tự nhiên với các môn sinh vật học. Năm 1956, trường Đại học Sư phạm Khoa học được chia thành Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN), ông tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu với cương vị chủ nhiệm khoa Sinh học.
Trong quá trình này, ông đã khởi xướng và triển khai nhiều nghiên cứu cơ bản đặt nền móng cho ngành sinh học Việt Nam thông qua các chương trình “Điều tra cơ bản khu hệ động vật, ký sinh trùng và côn trùng ở miền Bắc Việt Nam” (từ năm 1957 đến năm 1971) cũng như nhiều sách chuyên ngành “Động vật có xương sống” (1971), “Khảo sát thú miền Bắc Việt Nam” (1969), “Hỏi đáp về động vật” (1973)… Do đó, khi ông qua đời vào năm 1995, hai nhà sinh vật học Vern Weitzel và Colin P Groves (ĐH Quốc gia Úc) đánh giá “Giáo sư Đào Văn Tiến đã đào tạo nhiều thế hệ các nhà khoa học Việt Nam và đưa Khoa Sinh học vượt qua những năm khó khăn sau hòa bình lập lại. Dẫu những công trình chính của giáo sư Đào Văn Tiến chủ yếu tập trung vào các loài động vật có vú nhưng những tư vấn, hướng dẫn của ông chưa bao giờ bị giới hạn trong đó. Các nhà sinh học lớn ở miền Bắc Việt Nam hiện tại đều kính trọng gọi ông là thầy. Thật khó để nêu hết tầm quan trọng của con người uyên bác và lịch thiệp này trong lịch sử khoa học Việt Nam”.
Với những thành tựu này, vào năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam (1957-1980). Hiện các thành phố Nam Định, Nha Trang và Quy Nhơn đều có đường mang tên ông, giáo sư Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân, Viện NLNTVN), con trai của giáo sư Đào Văn Tiến, cho biết như vậy.
Trao đổi với Tia Sáng, giáo sư Đào Tiến Khoa còn cho biết thêm, “Nhờ có sự giúp đỡ của học trò, bạn bè và đồng nghiệp cũ của giáo sư Đào Văn Tiến, gia đình chúng tôi được biết là cộng đồng nghiên cứu quốc tế ngành sinh học đã đặt tên Đào Văn Tiến cho bốn cá thể loài động vật. Rất tiếc, giáo sư Đào Văn Tiến không được biết về những thông tin này vì việc đặt tên ông cho các cá thể động vật này đều được thực hiện sau khi ông mất”.
Bốn loài động vật mang tên Giáo sư Đào Văn Tiến: Tonkinomys daovantieni – một loài chuột núi đá vôi sinh sống trong vùng rừng núi miền Bắc Việt Nam (Guy G. Musser et al. “Description of a New Genus and Species of Rodent (Murinae, Muridae, Rodentia) from the Tower Karst Region of Northeastern Vietnam”, American Museum Navitates 2006); Opisthotropis daovantieni – một loài rắn suối sinh sống trong vùng rừng nhiệt đới miền nam Việt Nam (N.L. Orlov et al. “A new species of mountain stream snake, genus opisthotropis gunther, 1872 (serpentes: colubfudae: natfucinae), from the tropical rain forests of southern Vietnam”, Russian Journal of Herpetology 1998); Ancherythroculter daovantieni – một loài cá nước ngọt sinh sống ở miền Bắc Việt Nam. (Maurice Kottelat “Freshwater fishes of northern Vietnam”, Environment and Social Development Unit East Asia and Pacific Region, World Bank Report 22558, June 2001); Lecithodendrium daovantieni – một loài sên thường sống cộng sinh với dơi núi ở vùng Kim Sơn, Ninh Bình (P.N. Doanh et al. “Infection status and molecular identification of digenean cercariae in snails in Kim Son district, Ninh Binh…” Academia Journal of Biology 2019).