Dãy núi Rushmore – lưu danh các Tổng thống kiệt xuất của Hoa Kỳ

Tôi tìm đến Vườn Quốc gia và khu tưởng niệm Rushmore vào một ngày cuối xuân. Tiết trời vẫn còn khá lạnh vì vậy tôi vừa tới khách sạn tại Thành phố Rapid (Rapid City) cũng là lúc một đợt tuyết ập đến. Vườn quốc gia và khu tưởng niệm chỉ cách Thành phố Rapid gần 40 km. Khắp hai bên đường tới khu tưởng niệm là những rặng thông còn nguyên màu trắng tinh khôi của cơn mưa tuyết vừa đi qua. Xen kẽ là những bờ đá, dãy núi mờ xa và lãng đãng những căn nhà gỗ. Tất cả đều sạch bong, tĩnh lặng và tạo một cảm giác thư thái, nhẹ nhõm.

Lối vào khu tưởng niệm là hai hàng cột cao, mỗi cột đều có gắn những lá cờ biểu trưng của các bang thuộc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhắc nhở những người đi giữa hai hàng cột một lịch sử lập quốc được xây đắp qua nhiều giai đoạn trong quá khứ chưa đầy 300 năm. Dãy núi Rushmore được đặt theo tên của luật sư – nhà thám hiểm Charles Rushmore – là đá hoa cương nằm trong cả quần thể rừng quốc gia và khu tưởng niệm phía tây nam Thành phố Rapid thuộc bang Nam Dakota miền Trung-Tây nước Mỹ. Dự án tạc tượng đá các Tổng thống tiến hành từ năm 1927 cho tới tận năm 1941 và do nhà điêu khắc Mỹ Gutzon Bolgrum đảm nhiệm. Khuôn mặt bốn Tổng thống tiêu biểu của Hoa Kỳ được tạc thẳng vào vách đá nhìn ra hướng đông nam – theo ý đồ của nhà điêu khắc – để đón ánh nắng mặt trời chan hoà và rực rỡ nhất. Theo quyết định của Chính phủ Mỹ, Tổng thống George Washington cần được tạc vào đó, cùng với 2 Tổng thống của Đảng Cộng hoà và 1 Tổng thống của Đảng Dân chủ – và đó là những người tiêu biểu nhất, ưu tú nhất của lịch sử các đời Tổng thống Hoa Kỳ. Suốt 17 năm ròng, Bolgrum cùng hơn 400 công nhân đã hoàn tất công trình đồ sộ với các đầu Tổng thống cao tới hơn 18 m. Năm 1941, Gutzon qua đời vì bệnh mạch máu, con trai ông là nhà điêu khắc Lincoln Bolgrum tiếp tục hoàn tất dự án, với tổng cộng chi phí khoảng gần một triệu USD.

Theo thời gian, những gương mặt Tổng thống dần dần hiện ra trên vách núi đá. Gương mặt George Washington – Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ được hoàn tất vào năm 1934. Tổng thống Washington được ghi nhận bởi công lao trong việc khai sinh ra Hợp chủng quốc, trong việc đấu tranh giành độc lập cho nước Mỹ. Ông thậm chí đã có cơ hội tại vị lâu nhưng đã chủ động khước từ điều này và chủ động đề xuất mỗi Tổng thống chỉ phục vụ không quá 2 nhiệm kỳ. Vào năm 1936, gương mặt thứ hai xuất hiện cạnh gương mặt của Washington – đó là Tổng thống thứ ba: Thomas Jefferson – ông được ghi nhận bởi công lao mở mang bờ cõi và lãnh thổ Hoa Kỳ. Jefferson cũng được biết đến bởi những tác phẩm của ông, đặc biệt, ông là người đã chấp bút chính bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng năm 1776. Người thứ ba được chọn là Tổng thống Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, bức tượng hoàn thành vào năm 1937 và nằm ngoài cùng bên phải, ông tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất của liên bang cũng như tinh thần dân chủ và đấu tranh cho sự bình đẳng trong xã hội. Lincoln đã giúp liên kết các bang của nước Mỹ, kết thúc cuộc nội chiến dai dẳng giữa hai miền Nam Bắc, đồng thời đặt dấu chấm hết cho chế độ nô lệ tại Mỹ. Người cuối cùng trong bốn Tổng thống được tạc tượng là Theodore Roosevelt – người đã giúp nâng cao vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế trong thế kỷ 20, và là người tranh đấu vì quyền của nhân dân. Đứng sát bên nhau từ Tổng thống đầu tiên – Washington cho đến Tổng thống thứ 26 – Roosevelt, họ được coi là biểu tượng vĩnh cửu cho những giá trị nền tảng của nước Mỹ – tự do và độc lập, dân chủ và nhân quyền…      

Bên dưới bốn bức tượng Tổng thống, vách đá và rừng thông phủ kín tuyết. Con đường lát gỗ len lỏi dưới vách núi, cho phép du khách tản bộ và ngắm nhìn vách đá với các gương mặt Tổng thống từ nhiều phía, nhiều góc độ, đôi lúc, xuyên qua cả các tán lá thông. Những bông tuyết cuối mùa xuân vẫn rơi nhè nhẹ, lấm tấm trên nền trời. Ven lối đi, những cành thông vươn ra, thậm chí, nhiều chỗ nhành thông như mọc lên từ những tảng đá to nơi chân núi, khiến người ta ngỡ ngàng vì sức sống của chúng…

Sau khi đi một vòng quanh con đường mòn, tôi vào khu nhà bảo tàng tưởng niệm và nghe tiếng cười giòn tan, hiếm hoi trong suốt cả buổi sáng tĩnh lặng, thậm chí là suốt cả mấy ngày qua, đó là tiếng cười của con trẻ. Ba bốn em nhỏ đang đọc và xem những dòng chữ, hiện vật trong khu bảo tàng. Trên bốn tấm bảng đồng khổ lớn, người ta khắc những đoạn trích nổi tiếng mà lúc sinh thời từng người trong số bốn Tổng thống đã nói, đã viết, thậm chí đã dành cuộc đời mình để thực hiện nó. Đến ngày hôm nay, những em bé này vẫn có thể đọc được dòng chữ của Jefferson – người chấp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ – rằng “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và rằng họ “đều được Tạo hoá ban cho những quyền không thể tước bỏ được, trong đó có quyền được sống, được hưởng tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc…”

Sau một buổi đi chơi với tâm trạng thanh thản, tôi lên đường trở lại khách sạn, để rồi ngày hôm sau trở về Việt Nam. Suốt dọc đường, người lái xe taxi vồn vã kể đủ thứ chuyện. Ông cũng nhiệt tình kể về tình hình địa phương, chỉ cho tôi xem khu biệt thự đắt tiền, nằm ẩn hiện trên một sườn núi xa xa – nơi theo lời ông nói – là một trong vô số dinh cơ của một ông bác sỹ giàu có và thích chơi trội nào đó… Giọng ông ồm ồm nhiệt tình và vô cùng dân dã, như chất giọng những người dân lao động lam lũ ở đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên, cách nơi này cả nửa vòng trái đất. Nhưng đôi lúc, cũng có thể thấy sự chua chát, bất mãn khi ông nói về cách mà Chính phủ hay những nhà lãnh đạo đương thời không làm đúng bổn phận họ lẽ ra phải làm cho người dân Mỹ. Phía sau tôi bây giờ là những gương mặt Tổng thống tiêu biểu được tạc sừng sững trên vách đá hoa cương, những cảnh sắc nông thôn của nước Mỹ… Xen lẫn với câu chuyện của một người thuộc tầng lớp cần lao của xã hội Mỹ cũng như những ấn tượng trên sườn núi về lối sống của một lớp người giàu, tôi nghĩ tới vai trò điều hành đất nước của các đời Tổng thống Mỹ cũng như của những người lãnh đạo nói chung ở mọi dân tộc, mọi vị trí địa lý. Những Tổng thống Mỹ đó xứng đáng được vinh danh, được tạc tượng vào vách núi, xét cho cùng là vì điều gì? Rồi những nhà lãnh đạo kiệt xuất của những xã hội, quốc gia khác – có biết bao người chưa được tạc tượng như thế nhưng họ đã được người đời ghi nhớ ra sao, vì cái gì? Hiểu rõ lịch sử, phải chăng sẽ giúp chúng ta biết rõ hướng đi trong hiện tại và tương lai? Trong một xã hội văn minh, phải chăng sự lãnh đạo kiệt xuất của một vài cá nhân là điều kiện tiên quyết để cho phát triển? Hay là một nền dân trí cao, được giáo dục đúng cách để tôn trọng, gìn giữ các giá trị nền tảng, mỗi con người bình thường được vun xới để ít ra là có được một ý thức công dân lành mạnh, rồi sau đó là nảy mầm những tài năng mới là yếu tố quyết định phát triển? Chúng ta đều quá quen với từ “lãnh tụ”, nhưng chắc không phải ai cũng biết đó là một cụm từ Hán Việt và mang nghĩa đen rất đơn giản, chỉ là cái cổ áo, cái cổ tay áo vì đó là những nơi đầu tiên người ta cầm nắm để nâng, xốc cái áo lên, kéo cái áo đi theo hướng mình muốn. “Lãnh tụ” của một xã hội, một đất nước, nhất là những đất nước hùng cường như nước Mỹ quả có ảnh hưởng to lớn không chỉ đến lịch sử nước Mỹ mà cả lịch sử thế giới. Lãnh tụ của những nước lạc hậu, chậm phát triển không vì thế mà kém quan trọng, bởi họ cũng có ảnh hưởng mang tính quyết định, nhiều khi phải trả giá bằng sự tụt hậu của cả một dân tộc…

Khi tôi viết những dòng cuối cùng này, tại nước Mỹ xa xôi đang đúng vào ngày bầu cử vị Tổng thống thứ 44. Ai sẽ là người đó? Obama hay McCain? Câu trả lời cho câu hỏi đó đã ở khá gần, nhưng câu trả lời cho câu hỏi liệu người đó sẽ thực sự trở thành một lãnh tụ theo đúng nghĩa thì chắc còn cần thêm thời gian. Những nhà lãnh đạo ở mọi đất nước, ai đã làm được đúng như Abraham Lincoln nêu ra từ cả trăm năm trước: những người thực sự “của dân, do dân và vì dân” (“of the people, by the people, and for the people”) ?…

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)