ĐBSCL: Bảo vệ vùng đất ngập nước trước tương lai biến đổi khí hậu  

Mặc dù các vùng đất ngập nước chủ yếu trồng tràm ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và sinh kế nhưng nguy cơ rủi ro của nó trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Vì vậy, An Đặng và các đồng nghiệp ở ĐH New England, Australia đã tìm hiểu những thay đổi môi trường sống của các loài tràm ở ven biển vùng ĐBSCL trước tương lai nhiều nguy cơ này.

Rừng tràm ở vườn quốc gia U Minh Thượng.

Từ trước đến nay, các vùng đất ngập nước trồng tràm đem lại nhiều dịch vụ đáng kể cho các hệ sinh thái và con người, bao gồm nơi sinh sống cho rất nhiều loài thực vật, động vật; bảo vệ các nguồn đất, bùn, nước, ngăn tình trạng a xít hóa đất đai, tăng cường chất lượng nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng khả năng lưu trữ carbon. Những vùng đất như vậy còn đem lại sinh kế cho người dân với sản vật từ rừng như rau quả, gỗ làm củi, gỗ làm nhà, tinh dầu tràm, mật ong, cá, dược liệu. Các vùng đất ngập nước cũng làm gia tăng giá trị kinh tế và hỗ trợ các mục tiêu giáo dục, văn hóa, di sản…

Các vùng đất ngập nước trồng tràm ở ĐBSCL đang phải đối mặt với rủi ro do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời cả những ảnh hưởng cho hoạt động của con người tại địa phương, như mở rộng diện tích trồng lúa, thực hành nuôi trồng thủy sản, chặt cây tràm làm nhiên liệu… đều khiến mất đi rừng tràm. Biến đổi khí hậu dẫn đến các biến khí hậu cực đoan theo mùa như nhiệt độ gia tăng, hạn hán kéo dài, kết hợp với lũ lụt do mưa cực đoan cũng ảnh hưởng đến sự sinh tồn của rừng tràm.

Trong nghiên cứu này, An Đặng và cộng sự đã kết hợp mô hình độ cao số (SDM), mô hình mực nước biển ảnh hưởng đến các vùng đầm lầy (SLAMM), vốn được phát triển để mô phỏng những thay đổi bờ biển và biến đổi ở vùng đất ngập nước để đánh giá sự nhạy cảm của chúng với nước biển dâng dài hạn, và phân tích không gian để nhận diện những biến đổi tiềm năng cùng khu vực bảo tồn trong các kịch bản biến đổi khí hậu tương lai. Họ nghiên cứu những thay đổi của rừng tràm ở vùng U Minh, nơi cách bờ biển 20 km, bao gồm các vùng thuộc Cà Mau và Kiên Giang. 

Theo các kịch bản nước biển dâng và biến đổi khí hậu cơ sở, 424,2 km2 phù hợp cho loài M. cajuputi, trong đó 381,3 km2 vô cùng phù hợp và 42,8 km2 phù hợp tương đối. Tuy nhiên với các kịch bản khác, với những tham số cực đoan hơn, khu vực vô cùng phù hợp đã giảm xuống chỉ còn 172,3 km2 trong khi khu vực không phù hợp cho sinh tồn của loài suy giảm chỉ còn 237.3 km2, để tương thích với những kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Về tổng thể, phát hiện của họ cho thấy có sự mất mát nơi sống rất lớn cho loài M. cajuputi trong điều kiện cực đoan hơn so với kịch bản cơ sở. Dự tính vào năm 2070, một phần đáng kể nơi chốn của tràm sẽ có thể biến đổi thành đầm lầy chuyển tiếp, rừng ngập mặn và cửa sông do tình trạng xâm nhập mặn, ví dụ có thể nơi phù hợp để tồn tại cho loài tràm sẽ chỉ còn 98,5 km2 (23,2%). Và với điều kiện này thì không chỉ những khu vực được bảo tồn tốt ở vườn quốc gia U Minh Hạ cũng bị mất mát do biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà một số phần của vùng đất ngập nước Ramsar là vườn quốc gia U MinhThượng cũng trở nên khó sống với cây tràm.

Các nhà nghiên cứu đề xuất cần phải có những ưu tiên bảo tồn và bảo vệ các vùng đất đặc biệt này ở ĐBCSL. Những khu vực dự đoán là cần được ưu tiên bảo tồn có thể là cơ sở quan trọng cho việc lên kế hoạch cho các kế hoạch bảo tồn để đáp ứng dài hạn với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong bốn đề xuất của họ, đáng chú ý vào việc các vùng đất ngập nước hiện không phải là khu vực bảo tồn nhưng được dự tính là có khả năng tương thích với điều kiện tương lai nên cần được bảo tồn; các kế hoạch thích ứng cần tính đến các loài sinh sống ở vùng đất ngập nước để bảo vệ hệ sinh thái của vùng; các quá trình lún cũng ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước trồng tràm nên cần có biện pháp về chống lún để giảm thiểu ảnh hưởng của lũ lụt.

Kết quả nghiên cứu được mô tả trong “Coastal Melaleuca wetlands under future climate and sea-level rise scenarios in the Mekong Delta, Vietnam: vulnerability and conservation”, xuất bản trên Regional Environmental Change. □

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)