ĐBSCL: Nông hộ nhỏ khó chuyển đổi sang mô hình canh tác lúa bền vững

Mô hình lúa vụ ba chỉ đem lại thu nhập bền vững trong ngắn hạn nhưng để chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững hơn, các nông hộ nhỏ cần nhiều hỗ trợ về vốn và kỹ thuật.

Nguồn: Báo An Giang.

Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Môi trường và tài nguyên (ĐHQG TP.HCM), Viện Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), ĐH Công nghệ Nanyang, ĐH Vrije, tổ chức Deltares (Hà Lan), xuất bản trên tạp chí Agricultural Water Management “The economic sustainability of rice farming and its influence on farmer decision-making in the upper Mekong delta, Vietnam” (Sự bền vững kinh tế của trồng lúa và ảnh hưởng của nó lên việc ra quyết định của nông dân ĐBSCL).

Nghiên cứu này tập trung vào hai tỉnh ở ĐBSCL là Đồng Tháp và An Giang, những nơi đất đai màu mỡ gần sông Hậu và các nhánh sông khác của sông Mekong cùng đất phèn ở tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Hai thập kỷ qua, đặc biệt sau những mùa lũ lớn năm 2000 và 2011, việc xây dựng các đê cao diễn ra khắp vùng. Phần lớn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi cho phép mở rộng diện tích đất nông nghiệp và chuyển sang làm lúa vụ ba từ năm 2000. Kết quả là diện tích trồng lúa vụ ba đã được mở rộng bền vững từ 84.000 ha năm 2002 đến 276.500 ha vào năm 2014, trong khi đó diện tích trồng lúa vụ hai suy giảm từ 425.000 ha xuống 238.000 ha. Nhờ canh tác ba vụ lúa một năm, người nông dân có thể gia tăng thu nhập.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc mở rộng diện tích trồng lúa vụ ba cũng như khai thác cây lúa trong cả ba vụ đến năm 2015 đi kèm với sự gia tăng của cả hệ thống đê kè cao và thấp, sự gia tăng của việc sử dụng phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác. Sự gia tăng của mùa vụ và thu nhập đã bù đắp cho chi phí đầu vào do việc sử dụng phân bón ngày một tăng. Do vậy, người nông dân ở khu vực đê bao cao không bị ảnh hưởng đến thu nhập, thậm chí còn thúc đẩy họ thay đổi các biện pháp canh tác.

Hiệu quả đầu tư của người nông dân trong khu vực đê cũ thấp hơn so với khu vực đê mới bởi chi phí phân bón tăng lên nhiều so với mức tăng của thu nhập bán lúa. Chất lượng đất ở nơi này suy giảm sau nhiều năm tập trung trồng lúa và không được bồi đắp phù sa do bị đê bao chắn lũ vào đồng ruộng. Dẫu vào những năm đầu, hiệu quả đầu tư vẫn còn ở khu vực đê cao nhưng đã suy giảm nhanh chóng theo thời gian (ở khu vực đê thấp vẫn còn tương đối bền vững). Đây là một nguy cơ rủi ro về thu nhập của hộ nông dân trồng lúa khu vực đê cao khi sự bền vững mùa vụ giảm và chi phí phân bón tăng thêm. Hệ thống đê cao cũng còn cho thấy hệ quả rủi ro tiềm năng: thiếu lũ mùa nước nổi, sự suy kiệt dinh dưỡng của đất làm giảm năng suất và đòi hỏi tăng lượng phân bón hóa học.

Đáng chú ý là có sự thiếu cân bằng về thu nhập giữa các hộ gia đình có diện tích canh tác nhỏ (dưới một ha) so với hộ gia đình có diện tích canh tác lớn trong khu vực có đê cao ngày một gia tăng. Nếu hộ gia đình có diện tích canh tác lớn tăng một cách bền vững thu nhập thì ngược lại, hộ gia đình canh tác nhỏ có nguy cơ rủi ro khi điều kiện môi trường canh tác thay đổi. Theo các nhà khoa học, chi phí đầu vào sẽ phải tăng thêm, thậm chí biến động khi phân bón tăng giá, qua đó ảnh hưởng đến thu nhập. Mặt khác, họ không có năng lực điều phối giá lúa gạo trên thị trường để thu nhập ổn định. Những nguyên nhân này khiến các hộ nông dân rơi vào vòng xoáy nợ nần, có thể phải bán đất…

Mặc dù các nông hộ nhỏ là người đầu tiên gánh chịu hậu quả tiêu cực của sản lượng thất thu khi trồng lúa vụ ba nhưng họ lại không đủ các điều kiện cần thiết để chuyển đổi sang mô hình canh tác khác, bởi kỹ thuật, kỹ năng canh tác và chi phí đầu tư ban đầu là những rào cản chính. Dẫu các mô hình thay thế rất tiềm năng nhưng tỉ lệ áp dụng sẽ rất thấp nếu nhóm các hộ nhỏ không có được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Ngược lại, những hộ gia đình quy mô canh tác lớn sẽ dễ dàng chuyển đổi hơn nếu được tư vấn, phân tích chi phí-lợi ích rõ ràng. Do đó, để chuyển đổi mô hình canh tác thành công cần phải có những chính sách phù hợp với các nhóm nông dân khác nhau.□

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)