ĐBSCL: Xâm nhập mặn không chỉ vì các đập thủy điện thượng nguồn

Khoảng 20 năm trở lại đây, ĐBSCL thường xuyên phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, một trong số đó là xâm nhập mặn. Tuy nhiên, dẫn đến tình trạng này không chỉ vì các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong.


Hạn hán và xâm nhập mặn năm 2019 – 2020 đã làm khoảng 900 ha lúa đông xuân ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An mất trắng. Nguồn: Báo Nhân Dân.

Trong nghiên cứu mới “The worst 2020 saline water intrusion disaster of the past century in the Mekong Delta: Impacts, causes, and management implications” (Tình trạng xâm nhập mặn năm 2020 tồi tệ nhất thế kỷ qua ở ĐBSCL: Tác động, nguyên nhân và những gợi ý quản lý) xuất bản trên tạp chí Ambio của nhà xuất bản Springer, TS. Đoàn Văn Bình (ĐH Thủy lợi, ĐH Kyoto), TS. Hồ Hữu Lộc (Viện Công nghệ châu Á) và các đồng nghiệp quốc tế đã tập trung vào tìm hiểu đợt xâm nhập mặn diễn ra ở ĐBSCL vào mùa khô năm 2019–2020.

Dựa vào dữ liệu thủy lợi của Viện Nghiên cứu thủy lợi miền Nam, các nhà nghiên cứu nhận thấy, vào mùa khô 2019–2020, ĐBSCL đã phải trải qua một đợt hạn hán vô cùng khắc nghiệt, thậm chí còn vượt qua cả năm 2015-2016. Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tới 110 km, sâu hơn trung bình lịch sử khoảng 10 km và ở nhiều địa điểm vượt qua mức cao nhất cùng thời điểm của năm 2015–2016, ví dụ xâm nhập mặn ở khu vực sông trên sông Hàm Luông vào tháng 2/1019 là 71 km, vượt kỷ lục tương ứng của năm 2016 là 11 km. Thêm một đặc điểm của mùa khô 2019–2020, xâm nhập mặn được phát hiện vào tháng 11/2019, sớm hơn trung bình hằng năm từ 2,5 đến 3,5 tháng (sớm hơn 10–20 ngày so với năm 2015–2016) và lại kéo dài hơn khoảng 30 ngày. Tính đến đầu tháng 2/2020, gần 40.000 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt, chủ yếu ở các tỉnh ven biển. 

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng thuật toán biến đổi Fourier nhanh (FFT) để tính toán các chuỗi mực nước biến thiên theo giờ nhằm tìm các đỉnh phổ ở những dao động thời gian khác nhau, thay đổi các chuỗi miền thời gian ban đầu thành dữ liệu miền tần số. Kết hợp với các dữ liệu đo lường, họ có thể tìm thấy những thông tin quan trọng về tình trạng xâm nhập mặn vào năm 2020. Các tác giả nhận thấy, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khốc liệt của tình trạng xâm nhập mặn này là các đập thủy điện thượng nguồn; sụt lún đất; nước biển dâng tương ứng; khai thác cát đáy sông. 

Các nhà nghiên cứu chỉ ra sự tồn tại của “nghịch lý thủy điện” (hydrological paradox): lưu lượng xả vào mùa khô tăng nhưng không thể cứu vãn tình thế. Vào mùa khô 2020, dù lượng mưa giảm nhưng lưu lượng xả hằng tháng vẫn tăng 39% tại Chiang Saen (Thái Lan), 62% tại Kratie (Campuchia), 38% tại Tân Châu và 67% tại Châu Đốc  (Việt Nam). Do đó, các đập ở thượng nguồn được coi là góp phần giảm thiểu xâm nhập mặn trong mùa khô. Mặt khác, dù đập thượng nguồn xả nhưng mực nước trên sông vẫn thấp bởi đáy sông đã bị hạ thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do 40% tổng số phù sa, trầm tích trên sông Mekong đã bị các đập thượng nguồn giữ lại; tình trạng khai thác cát trái phép ở các địa phương trên ĐBSCL, gây nên những vết rạch ở đáy sông… Việc khai thác cát đã tăng lên tới 56% vào năm 2018, riêng ở trên sông Tiền Giang, đoạn từ Tân Châu đến Mỹ Thuận và kênh Vàm Nao. Các nhà khoa học đã chỉ ra, việc khai thác cát trái phép như vậy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà còn thúc đẩy quá trình xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra nhanh hơn.

Do đó, các nhà nghiên cứu đã khuyến nghị, để giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn vào mùa khô ở ĐBSCL, Việt Nam cần áp dụng một số biện pháp hữu ích ở nhiều quy mô, từ việc theo đuổi các nỗ lực ngoại giao nước xuyên biên giới đến quản lý nội vùng ĐBSCL thông qua việc xây dựng các cảnh báo xâm nhập sớm, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ để hạn chế việc khai thác cát trái phép trên sông Mekong, giảm bớt áp lực đối với nguồn nước ngầm thông qua việc hạn chế khoan giếng tìm nước ngọt và áp dụng các hình thức canh tác, trồng trọt bền vững trong nông nghiệp. 

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)