ĐBSH: Con người ảnh hưởng đến tải lượng ni tơ trong 20 năm như thế nào?
Sự gia tăng năng suất và đa dạng hóa hoạt động nông nghiệp đã tạo ra sức ép lên môi trường đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) như thế nào là một câu hỏi khó. Tuy nhiên, thông qua một đề tài nghị định thư, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Anh đã đi tìm một phần câu trả lời trong khung thời gian hai thập niên.

Vấn đề ô nhiễm nước từ lâu đã được quan tâm. Một đánh giá về nguy cơ rủi ro trong tương lai với các hệ thống sông ngòi nhấn mạnh, vào năm 2050, mức độ ô nhiễm ni tơ sẽ kích hoạt thêm tình trạng thiếu nước sạch ở trên 2000 tiểu lưu vực trên toàn thế giới, chủ yếu phân bố ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Sự xuất hiện của quá nhiều ni tơ kích hoạt nhiều vấn đề môi trường, ví dụ như hiện tượng tảo nở hoa, cá chết.
Một trong những nguồn ô nhiễm ni tơ lớn là sản xuất nông nghiệp. Do đó, TS. Đỗ Thu Nga (ĐH Điện lực), PGS. Trịnh Anh Đức (Trung tâm đào tạo hạt nhân, Viện NLNTVN) và các cộng sự Anh đã thực hiện nghiên cứu về các xu hướng phát triển nông nghiệp ở ĐBSH trong 20 năm (2000 – 2020), sử dụng công cụ Phân tích dòng chảy vật liệu (MFA) để tìm hiểu về những thay đổi trong hoạt động nông nghiệp đã ảnh hưởng đến sự tương tác và dòng chảy dinh dưỡng giữa trồng trọt, chăn nuôi và môi trường như thế nào.
Trong trồng lúa, việc lạm dụng phân bón hóa học đã trở thành phổ biến ở ĐBSH. Các mặt hàng phân bón trên thị trường thường có chất lượng thấp và lẫn tạp chất. Do đó, hiệu quả sử dụng phân bón thấp, ước tính hằng năm 50 đến 70% phân bón vô cơ không được hấp thụ mà thải ra môi trường, kết hợp với lạm dụng phân bón khiến nước và đất trồng bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các xu hướng phát triển nông nghiệp ở ĐBSH cũng làm trầm trọng vấn đề. Về tổng thể, số gia súc gia tăng, đặc biệt là gà và lợn, còn diện tích trồng lúa giảm nhẹ (0,9 % mỗi năm). Sau năm 2000, việc sử dụng phân chuồng trong trồng lúa đã giảm tới 85%, chỉ có 31% tổng lượng phân gia súc được tái sử dụng làm phân bón, trong khi việc sử dụng phân hóa học tăng và trở thành lựa chọn phổ biến. Đến năm 2020, tổng lượng phân hóa học ở ĐBSH là 209 kg ni tơ/ha/năm, gấp đôi trung bình toàn quốc, khiến Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ phân hóa học lớn thứ hai sau Trung Quốc. Tuy nhiên, lúa chỉ hấp thụ 38% tổng lượng ni tơ được bón, do đó phần lớn đều tràn ra môi trường xung quanh. Hơn nữa, ni tơ cũng đi vào không khí thông qua quá trình bốc hơi, khử nitrat và đốt phụ phẩm nông nghiệp.

Sử dụng công cụ MFA, các nhà khoa học nhận thấy lượng ni tơ sử dụng trong trồng lúa năm 2000 khoảng 87.033 tấn, tới năm 2020 là 123.023 tấn, tăng tới 41%. Trong khi đó lượng nước thải từ hộ gia đình và chuồng trại được xả thải trực tiếp ra kênh rãnh rồi ra ruộng. Tình trạng đô thị hóa, gia tăng dân số cũng khiến nguồn ni tơ từ nước thải sinh hoạt góp phần vào tổng lượng ni tơ trên ruộng, từ 20% năm 2000 đến 25% năm 2020. Đây chính là nguồn phát ni tơ ẩn chưa được tính tới.
Bên cạnh đó, quá trình chăn nuôi cũng tạo ra nhiều chất thải, ví dụ lợn tạo ra 38.413 ± 2.376 tấn ni tơ vào năm 2020, chiếm 18% tổng lượng ni tơ từ chăn nuôi. Tuy vậy, 33% phân gia súc bị thải ra môi trường. MFA cũng phát hiện ra các ao nuôi cá sử dụng phân gia súc cũng là một nguồn xả thải ni tơ đáng kể ra môi trường nước.
Tất cả những nguyên nhân này khiến tổng lượng ni tơ xả thải ra nước mặt vào năm 2020 gia tăng 53 % so với năm 2000.
Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải xem xét toàn diện các nguồn phát ni tơ này trong các chiến lược quản lý môi trường ĐBSH. Những biện pháp quan trọng, theo các nhà nghiên cứu, là tái sử dụng phân gia súc cho ruộng lúa để thay thế sử dụng phân hóa học, thu gom – xử lý nước thải chăn nuôi, tăng cường hiệu quả của các hệ thống biogas cũng là cách kiểm soát lượng ni tơ phát thải vào môi trường.
Các kết quả được nêu trong bài báo “Human activity controls nitrogen loads in a large sub-tropical delta from 2000 to 2020”, được xuất bản trên tạp chí Resources, Conservation and Recycling. □
Bài đăng Tia Sáng số 8/2025