Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp lần thứ 4: Đề xuất mô hình nền kinh tế số

Sáng 13/7/2018, Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NNPT&NT, UBND TP Hà Nội và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức, đã khai mạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự buổi lễ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Sự kiện thu hút 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

Tại Diễn đàn, đề cập đến CMCN 4 và sự phát triển của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, CMCN 4 đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ tài chính – ngân hàng, logistic thông minh… giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiện tại, Việt Nam đã có những bước phát triển về KH&CN và đổi mới sáng tạo – yếu tố mang tính nền tảng để bắt nhịp với CMCN 4. Trong 10 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng kết nối số lẫn thị trường kinh doanh. Với số người sử dụng Internet tăng lên mức 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số (năm 2017), Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Các doanh nghiệp viễn thông, Internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội.

Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều triển vọng, ví dụ theo báo cáo đánh giá đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN4 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về Các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Về mức độ sẵn sàng, mặc dù thuộc nhóm Sơ khởi nhưng Việt Nam cũng khá gần với nhóm Tiềm năng cao. Một số chỉ số khác của Việt Nam cũng đáng chú ý: Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI đạt mức 55/137 quốc gia (năm 2017),  Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII xếp hạng 45/126 quốc gia và nền kinh tế (năm 2018). 

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để tận dụng tốt cơ hội mà cuộc cách mạng này đem lại, Việt Nam cần phát huy hơn nữa yếu tố nền tảng là KHCN và đổi mới sáng tạo, đồng thời giải quyết được những vấn đề bức thiết như xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về quản trị công quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối số; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…

Ông cũng đề xuất mô hình phát triển nền kinh tế số và sản xuất thông minh với hai yếu tố quan trọng: tiếp nhận công nghệ để thực hiện quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp; lựa chọn những lĩnh vực cụ thể để phát triển những sản phẩm công nghệ dựa trên thế mạnh của Việt Nam. Để áp dụng tốt mô hình này, cần những giải pháp đồng bộ là  hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin; phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (KH&CN, ĐMST, Startups, …).

Trên cơ sở kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nêu một số cách làm như triển khai các khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) để thử nghiệm việc triển khai chính sách, các mô hình quản lý, kinh doanh mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh, mới như Fintech; tạo ra những thay đổi căn bản về hệ thống ĐMST quốc gia với các chính sách khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho KHCN và ĐMST, chấp nhận rủi ro, trao cho doanh nghiệp nhà nước cơ hội đầu tư KHCN như một khoản đầu tư lâu dài mà không yêu cầu thu hồi vốn trước mắt; triển khai xây dựng trung tâm thử nghiệm để tiếp nhận, thử nghiệm và triển khai các công nghệ mới; hoàn thiện chính sách đầu tư và thoái vốn cho đầu tư mạo hiểm nhằm thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ liên quan đến CMCN 4…

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ hoàn thành các nhiệm vụ lớn được Chính phủ giao: là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN4 (do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì) và Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để cụ thể hóa các nội dung và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.  Hiện Bộ KH&CN cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt và đưa vào triển khai “Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về CMCN4”.

Diễn ra nên lề Diễn đàn, Triển lãm quốc tế về các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực…
 
Bài và ảnh: Trung tâm Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)