Đọc chậm

Nhân đọc cuốn: Võ Sĩ Đạo – Linh hồn Nhật Bản của Inazo Nitobe Nguyễn Hải Hoành dịch từ bản tiếng Trung Quốc Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2006

1-  Trong thời đại kỹ học, hình như hiện đại gắn liền với tốc độ. Người ta ăn nhanh, uống nhanh… Cả cái biệt khu ngàn năm “Duy hữu độc thư cao” cũng không tránh khỏi áp lực. Lớp độc giả thâm canh ngày càng hiếm. Người ta viết sách để dạy phương pháp đọc nhanh. Những cuốn Reader Digest (Tóm tắt giúp người đọc) được in hàng chục vạn cuốn và bán đắt như tôm tươi.
Đó là một hiện tượng chưa chắc đã tốt. Nó dễ dẫn đến những kiến thức ăn xổi và những kết luận vội vàng. Cổ nhân dạy: Thà không biết còn hơn biết nửa chừng.
Một khái niệm khi rơi vào cõi mù mờ tranh tối tranh sáng của huyền thoại có thể gây ra nhiều tai nạn nguy hiểm chẳng kém gì những tai nạn giao thông.
2-  Cuốn sách Võ Sĩ Đạo, linh hồn Nhật Bản của Inazo Nitobe được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ năm 1905.
Nghĩa là đến nay nó đã xấp xỉ một trăm năm tuổi.
Một trăm năm nay, nhân loại vẫn đọc chưa xong cuốn sách nhỏ này.
Nó đã được tái bản rất nhiều lần và được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tất cả những ngôn ngữ chủ chốt của loài người – tiếng Anh (tất nhiên, vì nó được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ), tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và gần đây, tiếng Trung Quốc.
Trong ngôn ngữ văn hóa, những cuốn sách đọc hàng trăm năm chưa hết này, người ta gọi chúng là những sách cổ điển.
Chúng được kính trọng không phải đơn thuần vì chính sách “kính lão đắc thọ”, mà còn vì tính sâu sắc và cần thiết của nội dung.
3-  Võ Sĩ Đạo không đơn thuần là một nhân vật đao kiếm thậm chí “võ biền”(?), mà chủ yếu là một nhân vật văn hóa, hơn nữa đạo đức.
Người ta thường đổ tội cho cơ chế thị trường là nguyên nhân mọi sự suy thoái trong đời sống xã hội.
Đó có thể là một cách trốn trách nhiệm. Mọi hình thái xã hội đều có mặt tích cực và tiêu cực.
Không phải cơ chế thị trường sinh ra đại trà sự dối trá, tham nhũng đáng xấu hổ, mà chính nền tảng đạo đức chưa tiến kịp đà phát triển của xã hội đã sinh ra nạn đồi bại đến mức bạo động nói trên.
Trong việc xây dựng nền tảng đạo đức hiện nay của xã hội, tôi nghĩ rằng cuốn Võ Sĩ Đạo, linh hồn Nhật Bản sẽ có những đóng góp tích cực. Nó là một cuốn sách cần đọc.
4-  Tại chương VIII, khi nói về “Thanh gươm – linh hồn của võ sĩ”, tác giả có một nhận xét rất quan trọng: “Lý tưởng của Võ Sĩ Đạo là hòa bình.”
Đáng tiếc rằng Nitobe qua đời quá sớm không có điều kiện trải qua cuộc thử thách hết sức bi kịch của nền văn minh hiện đại. Khi Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ năm 1939, ông đã đi xa trước đó 6 năm.
Cái ranh giới giữa thiện và ác trong đời sống xã hội mới mong manh bất định làm sao! Đó là sự trớ trêu của lịch sử, nó đòi hỏi loài người phải hết sức tỉnh táo.
5-  Khi nói về tương lai của Võ Sĩ Đạo, Nitobe có vẻ như ngậm ngùi:
“Xã hội đã thay đổi. Ngày nay, vấn đề không phải là đơn thuần phản đối Võ Sĩ Đạo nữa, mà trào lưu của xã hội đều đã hoàn toàn đứng về phía phản diện với Võ Sĩ Đạo. Vinh quang của Võ Sĩ Đạo sắp sửa rút ra khỏi vũ đài lịch sử.”
Nitobe không có thời gian để chứng kiến một trớ trêu nữa của lịch sử.
Vào lúc nước Nhật quân phiệt bại trận, những điều kiện thực tế hình như đã đánh dấu sự tàn lụi nhỡn tiền của Võ Sĩ Đạo, thì tinh thần Võ Sĩ Đạo lại hồi sinh giúp nước Nhật bại trận, nghèo khổ kiệt quệ chỉ trong hai ba thập niên ngắn ngủi đã trở thành một cường quốc dân chủ đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế.
Chết là thể xác, còn là tinh anh.
Cái thể xác của Võ Sĩ Đạo đã diệt, nhưng tinh anh của Võ Sĩ Đạo vẫn còn và tiếp tục đầu thai qua nhiều kiếp sống khác trong nền văn hóa tâm linh bất diệt của loài người.

Lê Đạt

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)