Đón đọc Tia Sáng số 17 tháng 9/2024

Các bạn chờ đợi gì ở một số báo? Như thường lệ, số báo mới của Tia Sáng, với gần 60 trang nội dung, đề cập đến những vấn đề tác động đến hầu khắp chúng ta ở các mức độ khác nhau.

Tại sao có thể nói như vậy? Ắt hẳn trong vòng hai tháng qua, nhiều người trong chúng ta đã loay hoay với việc cài đặt sinh trắc học chuyển tiền qua ứng dụng của các ngân hàng. Công nghệ ngày càng xâm nhập vào đời sống chúng ta và ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau mà có thể chúng ta không lường trước được. Đây mới chỉ là một trong số rất nhiều ứng dụng công nghệ của thời hiện đại.

Nhìn về tương lai, dường như ngày càng nhiều công nghệ khiến chúng ta lo ngại. Một trong số đó là công nghệ nhận diện gương mặt (FRT). “Dù mang lại nhiều lợi ích, công nghệ này vẫn gây nhiều lo ngại về độ chính xác và quyền riêng tư. FRT không chỉ dừng lại ở việc nhận diện mà còn có thể phân tích cảm xúc, tính cách và thậm chí là trạng thái tâm lý của con người. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư và tính minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu sinh trắc học”.

Việc đòi hỏi phải xác thực danh tính mỗi người, ở vô số nơi, có thể dẫn đến một số hệ lụy. Trước mắt đó là “các hình ảnh sinh trắc học không thể thay đổi hay xóa bỏ, khiến cho việc lạm dụng hoặc rò rỉ dữ liệu trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng”; “việc phân tích cảm xúc có thể dẫn đến việc kiểm soát và giám sát người dân một cách tinh vi và không minh bạch”.

Vậy mỗi xã hội phải ứng xử với công nghệ mới như thế nào? “Công nghệ nhận diện khuôn mặt hay câu hỏi đạo đức trong thời đại dữ liệu” của ThS, luật sư Ngô Nguyễn Thảo Vy (ĐH Luật TPHCM) hé mở cho chúng ta biết một số gợi ý.

Không chỉ gặp những vấn đề về công nghệ, chúng ta còn va chạm với những vấn đề mỹ học. Quan điểm về cái đẹp, cái xấu đã được định hình vững chắc từ ngàn đời nhưng sự thắng thế, kiêu hãnh, cuốn hút của cái đẹp có phải là nguyên nhân để loại trừ, ruồng bỏ cái xấu? Hóa ra sự thật là “‘Cái đẹp’, dù được định nghĩa thế nào, không nhất thiết phải hấp dẫn. Và sự xấu xí không phải lúc nào cũng đáng ghê tởm. Không chỉ vậy, thị hiếu còn liên tục thay đổi. Giống như thủy triều, thị hiếu khi lên khi xuống, xóa bỏ những mặc định chắc chắn về thẩm mỹ. Cũng chính vì sự bất định này về chuẩn thẩm mĩ mà hầu hết các giả định về nghệ thuật, qua thời gian, đã bị lật đổ và phá vỡ”.

Sự lý giải về cặp khái niệm cái xấu – cái đẹp trong “Mỹ học của sự xấu xí” có thể đem lại cho chúng ta những xúc cảm nhẹ nhõm, hài hước mà không kém phần sâu sắc.

Có lẽ, trong một số báo giàu cung bậc cảm xúc, chúng ta không khỏi u hoài nhớ đến một nhà khoa học, một con người đã dành rất nhiều công sức và thời gian để chia sẻ với chúng ta vẻ đẹp của vật lý hiện đại. “GS Cao Chi: ‘Và thiên thu trong một khắc đồng hồ’” cho chúng ta thấy trong suốt cuộc đời mình, ông đã “giúp gợi mở và nuôi nấng óc tưởng tượng. Một thế hệ bạn đọc yêu khoa học và nhất là yêu vật lý, từ những trang viết của ông”.

Vì sao ông có nỗ lực tự thân như thế? “Có lẽ, ông thuộc về một bộ lạc khác, nơi những con người ưu tú, thánh thiện và thuần khiết có duy nhất mục tiêu cuộc đời là sống để tìm cái đẹp tuyệt đích mà rút cục, có thể ông là người cuối cùng, hoặc (may mắn hơn cho chúng ta) là gần như cuối cùng. Sự tồn tại của cái đẹp tuyệt đích, phải chăng là để cho những con người như vậy? Hay bản thân việc hướng về cái đẹp tuyệt đích đã giúp ông tự thanh lọc khỏi những lề thói hư danh phàm tục?”.

Trong số báo này, chúng ta còn rất nhiều bài viết đáng đọc. “Dịch vụ công trực tuyến: Sao người dân vẫn không thích dùng?” (Trà My); “Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu tư duy?” (Tuệ Tâm dịch); “AI giải mã bí ẩn sinh học về mùi hương” (Thanh An – Mỹ Hạnh lược dịch); “Lịch sử pháp lý về mang thai hộ: Tình thế phức tạp của một quy định nhân văn” (Hồ Thị Thanh Trúc – Hoàng Xuân Sơn); “Đánh thức dữ liệu sinh học từ các cuốn sách” (Tô Vân); “Akutagawa và sự thất bại của ngôn ngữ” (Nguyễn Vũ Hiệp); “Những người Việt khiếm khuyết trong phim chiến tranh của Hollywood” (Nguyễn Lan Hạnh); “Marcovaldo: Xà phòng hay đám mây, cái gì đẹp hơn? (Hiền Trang); “Birgit Nilsson – Sinh ra để hát opera Wagner” (Duy Quang).

Vậy thì tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này?

BBT Tia Sáng

————————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 231 times, 1 visits today)