Đón đọc Tia Sáng số 18 tháng 9/2024

Một số báo về tới tòa soạn, mang theo rất nhiều vấn đề của thời cuộc, và hơn nữa, cả những vấn đề mà ít nhiều mỗi người chúng ta đều gặp phải trong cuộc sống hôm nay, thậm chí cả tương lai.

Giữa những vấn đề của hôm nay, vấn đề của mọi gia đình, câu chuyện tương lai của con em liên tục được bàn đi bàn lại trong nhiều cuộc trò chuyện từ online đến offline, và trong không gian Tia Sáng. Sau câu chuyện “Thiếu trường công và xã hội hóa giáo dục” của TS. Võ Thị Hải Minh ở những số báo trước, chúng ta ngày càng cảm thấy thấm thía sự thật: “cuộc chạy đua để vào trường công lập là một cuộc chiến khi tỉ lệ trượt ngày càng cao” và ở Hà Nội hay TPHCM, “có khoảng một phần ba số sĩ tử sẽ không được vào học trường công THPT. Lựa chọn khác của các em là các trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp hoặc các trường THPT dân lập, ‘công lập tự chủ’ với học phí cao hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với khối trường công”.

Vậy trường nghề, nơi sẽ đón nhận một phần trong số các em không thể vào trường công, là nơi như thế nào? Trong “Lựa chọn cuối cùng của học sinh tốt nghiệp THCS”, nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Vị phân tích cho chúng ta câu chuyện trường nghề. Có phải đây là nơi vẫn được coi là “chuột chạy cùng sào mới vào… trường nghề”?

Tại sao trường nghề không phải là nơi đào tạo một nguồn lực cho tương lai? Tại sao các bậc phụ huynh còn hoài nghi về chất lượng đào tạo ở các trường nghề? tại sao khối công nghiệp không coi đây là nguồn cung nhân lực cho mình? Trong câu chuyện có muôn vàn vấn đề mà vấn đề nào cũng cân não, người ta mới thấy rằng trường nghề tự mình cũng đang loay hoay “Mặc dù các trường nghề có quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nhưng khác với chương trình trung học phổ thông, vốn tập trung vào lý thuyết và thống nhất trên toàn quốc, việc xây dựng chương trình đào tạo nghề phức tạp hơn nhiều do tỷ lệ thời gian thực hành lớn và cần phải nghiên cứu độc lập”.

Chúng ta đã biết muôn vàn khó khăn của các trường công, giờ chúng ta lại biết thêm những bất cập của trường nghề, ví dụ “Các trường nghề ở Việt Nam vẫn thường áp dụng cách tiếp cận “nhà trường là trung tâm”, dẫn đến việc xây dựng chương trình chủ yếu do nhà trường tự quyết định, mà mức độ tham gia của doanh nghiệp chưa rõ ràng”.

Giữa dòng chảy quá khứ – hiện tại – tương lai, chúng ta thấy thấp thoáng gương mặt của những nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho Việt Nam mà giờ đã khuất núi. Sau GS Võ Tòng Xuân, GS Cao Chi, giờ chúng ta biết thêm GS. James C. Scott, nhà nhân học vĩ đại về nông dân và xã hội nông thôn Đông Nam Á. Qua “Người đi rồi, bóng còn để lại” của GS Nguyễn Văn Chính, chúng ta không chỉ thấy được tầm vóc và đóng góp của GS. James C. Scott mà còn thấy được bầu không khí trao đổi học thuật quốc tế, thấy mối quan tâm của học giới quốc tế về Việt Nam và những phát hiện của họ phản ánh sâu sắc nội tại phát triển của xã hội Việt Nam mà giờ chúng ta mới biết…

Còn có bao vấn đề khác, trong số báo này, thú vị và hữu ích cho chúng ta: “Hành lanh pháp lý đối với AI của Việt Nam” (Tô Kiến Lương, Mai Nguyễn Dũng); “Sự suy thoái đạo đức trong khoa học” (Pierre Darriulat); “Thị trường mua bán lượt trích dẫn: Lời cảnh báo cho các nhà khoa học chân chính” (Cam Ly dịch); “Lập bản đồ tín hiệu sóng não lượng tử” (Nguyễn Bá Ân dịch); “Chỉnh sửa gene: Sự can thiệp vào tiến hóa của loài người” (Tuệ Tâm dịch); “Đời sống xã hội” phức tạp của virus” (Cao Hồng Chiến lược dịch); “Tây phương mỹ nhơn: Giữa ràng níu của Nho học và phức cảm thuộc địa” (Đặng Thị Thái Hà); “Cuộn xoáy ẩn giấu trong The Starry Night của van Gogh” (Tô Vân tổng hợp); “Đinh Nhung trong Một Bảo tàng Queer” (Nguyễn Vũ Hiệp); “La Chimera: Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận” (Hiền Trang); “Yunchan Lim, hiện tượng âm nhạc mới” (Ngọc Anh dịch).

BBT Tia Sáng

———————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 229 times, 1 visits today)