Đón đọc Tia Sáng số 19 tháng 10/2022
Quá khứ đẹp đẽ và đáng tự hào có còn nguyên giá trị với hiện tại? Chúng ta có nên coi những vàng son lộng lẫy của một thời đã qua như những hiện vật trong bảo tàng, chỉ mang giá trị gợi nhớ về quá khứ mà không tác động đến những hành xử của chúng ta ở hiện tại?
Có lẽ, chúng ta sẽ trả lời phần nào được những câu hỏi đó, khi lật giở được số báo Tia Sáng này và chạm đến những giá trị mà ngày nay chúng ta được thụ hưởng. Những giá trị này gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ xa hơn. “Một qui luật sắt của lịch sử là cái có sau quyết định cái có trước, tức nếu cái có sau tiếp nối được thì cái có trước mới có giá trị, còn nếu cái có sau không tiếp nối được thì cái có trước chỉ có ý nghĩa” (nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh).
“Bảo tồn di sản và bảo vệ căn tính Việt Nam”, một bài viết mà tự tên của nó gợi mở cho chúng ta thấy nỗi suy tư của một nhà nghiên cứu kiến trúc Mỹ có nhiều gắn bó với Việt Nam trước một thực trạng “cả đô thị lẫn nông thôn của Việt Nam đều tràn ngập những công trình và cảnh quan đại diện cho một lịch sử dài và căn tính của đất nước” đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Liệu quyết định phá bỏ những kiến trúc cũ, thay vì bảo tồn, có phải là một quyết định đúng đắn? Tác giả Mel Schenck đặt câu hỏi “Giờ người Việt có thể làm gì để hiểu giá trị của những di sản này và nâng cao tầm quan trọng của việc bảo tồn những di sản này ở Việt Nam?”.
Các công trình kiến trúc mang tính lịch sử mà chúng ta được thừa hưởng còn ẩn chứa nhiều giá trị hơn chúng ta tưởng. Nó không chỉ làm nền cho những bức ảnh mang đậm màu sắc hoài cổ mà giờ phổ biến trên internet. “Tập hợp dày đặc những công trình mang phong cách và dấu ấn của từng thời kì trong lịch sử đã mang lại cho Việt Nam một danh tiếng, là một đất nước độc đáo hậu thuộc địa, hấp dẫn khách đến thăm. Không khí này đã đem đến giá trị du lịch khổng lồ trong quá khứ nhưng khi những công trình quan trọng từ quá khứ bị phá hủy, căn tính lịch sử với giá trị kinh tế đi kèm cũng dần biến mất theo, tiềm tàng biến các đô thị Việt Nam thành phiên bản đồng phục quốc tế với rất nhiều thành phố khác giờ đang nhan nhản khắp thế giới”, như tác giả Mel Schenck chỉ ra.
Nếu một mai cả những công trình kiến trúc cổ như vậy không còn, các thành phố như Hà Nội, TPHCM hay một số nơi như Cần Thơ, Hải Phòng… sẽ trống rỗng kí ức. Và theo cách đó thì thế hệ mai sau khó có thể hiểu những giá trị mà chúng ta coi trọng ngày hôm nay và những gì tạo nên căn tính của một quốc gia.
Giá trị lịch sử không chỉ nằm ở những thứ hiển thị trước mắt mà chúng ta có thể sờ chạm mà còn ở những giá trị tinh thần, cảm xúc hoặc được chuyển đổi thành những giá trị khác. Kỳ 4 “Nền móng của giáo dục quốc gia hiện đại” trong loạt bài “Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946”, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã phác họa lại tầm nhìn và tác động của nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này, đưa người dân Việt Bam “bước lên con đường hiện đại hóa qua cánh cửa chật hẹp của chế độ thuộc địa và trong thân phận người dân vong quốc”. Do đó, tác động của nó, không chỉ dễ thấy ở phong trào Bình dân học vụ giúp xóa nạn mù chữ từ thành thị đến nông thôn, từ người già đến trẻ em, mà còn góp phần hình thành con người mới, những con người trưởng thành từ “quá trình tiến hành công cuộc giải thực dân hóa, xóa bỏ các khuôn mẫu lạc hậu, chuẩn mực bất công và giá trị lệch lạc nảy sinh từ thực trạng vong quốc trước đó,… quá trình xây dựng thể chế DCCH mà đặc trưng là dân chủ hóa các quan hệ XH trên cơ sở hiện đại hóa nền sản xuất vật chất và tinh thần trong đất nước”.
Những giá trị lịch sử đẹp đẽ và đáng gìn giữ, theo cách đó, khiến chúng ta ngày một thêm tự hào…
Nhưng không chỉ có những thông điệp về quá khứ, số báo này của Tia Sáng còn đầy ắp những vấn đề hiện tại và sát sườn với chúng ta cũng như những vấn đề văn hóa thú vị: “Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Cơ quan nhà nước cần làm gương” (Tống Khánh Linh), “Bảo tồn di sản và bảo vệ căn tính Việt Nam” (Mel Schenck), “Bổ khuyết cho một lịch sử còn khuất lấp” (Xuân Thạch), “Thị trường điện lực bền vững ở Việt Nam?” (Thái Doãn Hoàng Cầu), “Scandal cờ vua: AI có đủ sức phát hiện gian lận?” (Anh Vũ), “Quá tải giáo dục ở đô thị: Nhìn từ quy hoạch đô thị” (Thu Quỳnh), “Digitalis: Độc chất truyền cảm hứng cho van Gogh?” (Tô Vân), “Phiến đá Rosetta: Mở khóa những bí mật Ai Cập cổ đại (Anh Thư), “Odilon Redon (kỳ 2): Nhà giả kim của màu sắc” (Nguyễn Vũ Hiệp), “Hanns Eisler: Một đời mâu thuẫn” (Ngọc Anh).
Nếu nói như Boris Pasternak “Bất ngờ là món quà vĩ đại nhất mà cuộc sống có thể ban tặng chúng ta” thì số báo này của Tia Sáng ẩn chứa rất nhiều bất ngờ mà chúng ta sẽ đọc, không chỉ một lần.
BBT
——————