Đón đọc Tia Sáng số 19 tháng 10/2024
Một số báo mang nhiều gửi gắm của cả ê kíp Tia Sáng tới bạn đọc, với những vấn đề sẽ làm giàu hiểu biết khi được soi chiếu dưới ánh sáng của khoa học.
Tại sao lại cần đến khoa học để nhìn vào các vấn đề tưởng chừng đã quen thuộc? Nếu không có khoa học dẫn đường, chúng ta có thể dễ rơi vào cách lý giải duy tình, đặc biệt với vấn đề xã hội. Trong “Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hóa Hà Nội”, GS. Nguyễn Văn Chính (Đại học KHXHNV, ĐHQGHN) phân tích cho chúng ta thấy, những cái nhìn về thành phố nghìn năm tuổi này “từ trước đến nay đều dựa trên các cách tiếp cận theo hướng luận giải duy tình [moral interpretation], nặng về khoa trương hoặc phảng phất hơi hướng của thuyết văn hóa trung tâm và ngoại vi mà các nhà nghiên cứu phương Tây đã dày công phát triển”. Còn trên thực tế “khái niệm bản sắc văn hóa của một thành phố hay một quốc gia-dân tộc, thực ra chỉ là một cấu trúc có tính nhân tạo (artificial construction)”. Do đó, “không có một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến. Tính chất ‘tứ chiếng’ và dòng chảy liên tục của các lớp cư dân khác nhau, nơi hội tụ của tinh hoa và bình dân, nơi phô bày sự tương phản giữa giàu sang và khốn cùng là những đặc điểm dễ nhận thấy trong suốt trường kỳ lịch sử của thành phố thủ đô, nhưng cũng là đặc trưng phổ biến có thể quan sát được ở nhiều đô thị ‘kinh kỳ’ trên thế giới”.
Dưới góc nhìn này, chúng ta mới chợt nhận ra lâu nay cái nhìn về Hà Nội của chúng ta chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ thị dân mà quên đi rằng “không gian địa – văn hóa của Hà Nội luôn hàm chứa hai nhóm văn hóa và lối sống khác nhau song hành tồn tại. Đó là văn hóa của thị dân và văn hóa nông dân”. Do đó, “khi nói đến Hà Nội như một thực thể văn hóa có bản sắc riêng, chúng ta không được quên rằng có một Hà Nội – nhà quê và một Hà Nội – kẻ chợ. Hai bộ phận cư dân này tuy tồn tại trong một cái khung của cơ cấu hành chính chung nhưng có văn hóa và lối sống khác nhau”. Nếu coi những người dân nhập cư làm phôi pha văn hóa và ảnh hưởng đến đời sống Hà Nội thì chúng ta có thể nhớ về bài học quá khứ “Ngay từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã từng ra lệnh đuổi tất cả những người dân tứ xứ đổ về Thăng Long kiếm kế sinh nhai, và chỉ kịp sửa sai sau khi nhận thấy chính những người di cư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế của đô thành và đóng thuế nuôi triều đình”.
Từ câu chuyện của bản sắc văn hóa Hà Nội, chúng ta chợt nhận ra là thành phố ngàn năm tuổi đã trở nên giàu có biết bao nhiêu nhờ việc hội tụ được tài năng ở nhiều vùng đất. “Là Đất hay là Người”, câu chuyện về họa sĩ Lý Trực Sơn, một người con xứ Huế từng đi bộ đội, du học tại Pháp và sinh sống, sáng tác nhiều năm tại châu Âu mở ra cho chúng ta thấy cách ông góp phần làm giàu cho bản sắc văn hóa Hà Nội “bằng sống, bằng chìm nổi, bằng đi về, bằng im lặng, bằng tĩnh, bằng trực cảm, bằng…”
Lùi ra xa một chút để nhìn rộng hơn, họa sĩ Lê Thiết Cương đã lý giải câu chuyện đi tìm những chất liệu làm nên cái riêng của họa sĩ Lý Trực Sơn bởi việc không chấp nhận đi theo lối mòn an toàn “Nghệ thuật hay ở chỗ, nó làm cho ta không thể an lòng, làm cho ta luôn trăn trở, luôn muốn gạt đổ bàn tiệc, luôn muốn xóa hết đi, làm ván mới”.
Câu chuyện văn hóa hay câu chuyện xã hội, và đặc biệt là khoa học, luôn vận chuyển không ngừng trong cái khát khao đi tìm cái mới, cái đẹp, cái tuyệt đích trong không gian nhiều giới hạn của đời sống thường nhật.
Trong số báo này, chúng ta sẽ gặp tinh thần đó ở nhiều chuyên mục: Thách thức trong dự báo bão – Thanh Nhàn; Thảm kịch lũ quét và sạt lở sau bão Yagi: Sự cố hi hữu hay vấn đề hệ thống? – Hà Thị Hằng – Lưu Thị Diệu Chinh; Dự báo bão: Lịch sử dữ dội và tương lai khó lường- Thanh An dịch; Thiếu vắng startup hàm lượng khoa học và kỹ thuật cao: Những nguyên nhân chính – Phạm Huy Hiệu; Hackathon lượng tử tạo những kết nối mới – Nguyễn Bá Ân dịch; Quyền lực của hộ chiếu: Điều không dễ thay đổi – Nguyễn Đình Đức; Đất lúa Đồng bằng Cửu Long: Từ trù phú đến kiệt quệ – Thu Quỳnh; Điều gì xảy ra nếu không tìm thấy vật chất tối? – Anh Vũ lược dịch; Nữ hoàng trong dàn nhạc giao hưởng – Tô Vân tổng hợp; Orpheus: Chỉ một nghệ sĩ mới tìm tới âm ti – Hiền Trang; Ezio Pinza: Cuộc đời như opera – Duy Quang.
Vậy thì tại sao chúng ta lại không đọc Tia Sáng số này?
BBT Tia Sáng
——————————————
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh