Đón đọc Tia Sáng số 20 tháng 10/2024

Một trong những niềm vui của chúng tôi lúc này là được giới thiệu với mọi người số báo mới, một ấn phẩm đặc biệt trong mùa Nobel.

Được chuẩn bị gấp rút khi giải thưởng ở các lĩnh vực khoa học và văn chương được Ủy ban Nobel công bố, số báo lên khung với mục tiêu đem lại đánh giá về giá trị của giải thưởng từ những người đang hoạt động trong các lĩnh vực này. Chùm bài “Nobel Kinh tế 2024: Bài học về thể chế” (TS. Hồ Hoàng Anh); “Nobel Vật lý và Hóa học 2024: Xóa nhòa biên giới giữa các ngành khoa học” (TS Trần Doãn Huân, GS Vũ Ngọc Tước); “MicroRNA: Cuộc cách mạng thầm lặng trong y học” (ThS Quang Trọng Minh) “Han Kang và Greek Lessons: Cơn mưa tuyết ngôn từ” (nhà văn, dịch giả Hiền Trang) như những mảnh ghép cho chúng ta thấy một bức tranh khá toàn diện về giải Nobel năm nay cũng như những điều nó mang lại.

Không giải thưởng nào đủ hoàn hảo, Nobel cũng vậy. Sau khi kết quả được xướng lên, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra với rất nhiều nhận định trái chiều. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, các giải thưởng Nobel năm nay đã giúp ghi nhận sự đóng góp của một “nhân tố mới” đang làm khuấy đảo và thậm chí tạo ra những cuộc cách mạng từ phòng thí nghiệm ra đời thực – AI. Không nghi ngờ gì nữa, AI và các thuật toán kỳ lạ đã làm thay đổi vô cùng lớn nhiều lĩnh vực nghiên cứu, giúp tạo ra những đường link kết nối các lĩnh vực lại với nhau và đưa ra những kết quả gần như không tưởng. Sự hiện diện của AI trong các giải Nobel Vật lý và hóa học cũng góp phần khiến chúng ta quan tâm đến AI nhiều hơn, và cũng dè chừng nó hơn.

Bên cạnh những biến đổi nhanh chóng trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, giải Nobel kinh tế dường như nhiều “bảo thủ” hơn khi “nội dung của những công trình nghiên cứu được trao giải Nobel Kinh tế năm 2024 không quá khác biệt so với thế hệ trước đây”: mối quan hệ giữa thể chế và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cái khác ở đây chính là ba nhà kinh tế Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson phân tích sâu sắc hơn về bản chất của tiến trình thay đổi thể chế, làm rõ hơn các điều kiện để các nhóm lợi ích chấp nhận thay đổi thể chế, và làm “thức tỉnh nhiều kẻ mộng mơ về quy luật thị trường dẫn dắt tất thảy”.

Giải Nobel Văn chương của Han Kang, một tác giả quen thuộc với công chúng Việt Nam khi ba tác phẩm được xuất bản trong mấy năm vừa qua. “Han Kang và ‘Greek Lessons’: Cơn mưa tuyết ngôn từ” không chỉ đưa chúng ta vào tác phẩm khác – ‘Greek Lessons’ – mà còn nhìn cả cuộc chơi ngôn ngữ của bà, một người đọc Borges từ năm 20 tuổi và có giấc mơ viết ra được một cái gì đó như những tác phẩm cuối đời của Borges, khi cái chết từ từ tiến lại, “chậm rãi như một đêm hè”. “Các tác phẩm của Han Kang, dù là tiểu thuyết, cũng thường rất ngắn. Không chỉ ngắn mà còn trống. Có rất nhiều những chương gọn lỏn, những chương như thơ, bà để nhiều không gian trắng theo nghĩa vật lý – những chỗ cách dòng, những khoảng không giữa các câu ngắn được ngắt liên tiếp, những chương vắn vủi với ngôn từ thưa thớt”.

Trong số báo này, sau khi kết thúc cuộc đi dạo “cưỡi ngựa xem hoa” Nobel 2024, chúng ta trở về với ĐBSCL, một hiện thực ngổn ngang rối bời bởi những thách thức không dễ tìm ra lời giải. Niềm hạnh phúc được mùa, theo thời gian, đã trở thành tấm chăn hẹp, ấm đầu nọ nhưng lại hụt đầu kia: đê bao, lúa vụ ba đem lại ấm no nhưng rồi để duy trì cái ấm no ấy, người nông dân lại phải móc hầu bao mua phân bón, thuốc trừ sâu… Rất nhiều yếu tố khác còn gia nhiệt thêm và góp phần rút cạn sinh lực đất của cả đồng bằng một thời màu mỡ. “Đất lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Từ trù phú đến kiệt quệ (Kỳ 2)” (Thu Quỳnh) đem lại một phần sinh động của hiện thực này. Phải nói thêm rằng, trong vòng hai năm trở lại đây, một số phóng viên xuất sắc của Tia Sáng đã nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức như Internews, để thực hiện các tuyến bài về chủ đề môi trường rất đáng chú ý và đây cũng là một trong số tuyến bài này.

Ngoài ra, trong số báo này còn có những bài viết khác: “Khi pháp luật bình đẳng không có nghĩa là công bằng” (Trịnh Thục Hiền); “Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hóa Hà Nội (Kỳ 2) (Nguyễn Văn Chính); “Cốt lõi của sáng tạo: Nhận ra những điều bị bỏ lỡ” (Tuệ Tâm dịch); “Sự thăng trầm của kiến trúc XHCN” (Vũ Hiệp); “Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Giá trị sống và giá trị di sản” (Thanh Nhàn), “Di sản bất hòa ở Đông Âu” (Tô Vân); “Carlo Maria Giulini: Sứ mệnh thiêng liêng trên bục chỉ huy” (Duy Quang).

Vậy tại sao bạn lại không đọc Tia Sáng số này?

——————————————-

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 209 times, 1 visits today)