Đón đọc Tia Sáng số 21 tháng 11/2024

Chúng ta nghĩ gì về tương lai khi hiện tại đang ngổn ngang bao điều tồn đọng? Quả thật, khi lên nội dung số báo mới vào quãng thời gian cuối năm, ê kíp Tia Sáng chợt nhận ra rằng, bên cạnh những vấn đề của quá khứ còn chưa được giải quyết một cách ổn thỏa thì thực tại lại chồng chất thêm những điều đáng suy ngẫm nữa.

Đó là lý do trong số báo này, Tia Sáng trở lại với giáo dục, một trong những vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Sau các bài “Thiếu trường công và xã hội hóa giáo dục”, “Lựa chọn cuối cùng của học sinh tốt nghiệp THCS “ ở những số báo trước, chúng ta có thể nhìn sâu hơn vào giáo dục đại học và trường nghề.

“Tự chủ đại học dựa trên học phí”?, câu hỏi mà TS. Võ Thị Hải Minh đặt ra trong bối cảnh nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng đáng kể mức học phí, thậm chí tăng gấp đôi so với năm trước. “Các trường càng ít phụ thuộc vào ngân sách thì càng được thu học phí cao, thậm chí không giới hạn với các chương trình đào tạo chất lượng cao hay liên kết với nước ngoài”.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công cách đây gần 20 năm. “Giáo dục đại học không được coi là dịch vụ sự nghiệp công ‘cơ bản’, ‘thiết yếu’, ‘đặc thù’… giáo dục đại học sẽ không còn được sử dụng ngân sách nhà nước mà phải thực hiện theo phương thức xã hội hóa và giá dịch vụ theo cơ chế thị trường do đơn vị tự định giá hoặc do nhà nước định giá”.

Câu chuyện học phí quá cao so với mặt bằng chung của xã hội không chỉ tạo ra bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học mà còn là mối đe dọa về nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phát triển thiếu bền vững trong tương lai.

Cũng trong mối âu lo về chất lượng nguồn nhân lực, “Doanh nghiệp và các trường nghề: Sao mãi không gặp nhau?” (Đặng Hoàng Vị – Nguyễn Thanh Thủy) cho chúng ta thấy một vấn đề: Việt Nam đang duy trì cách tiếp cận lạc hậu trong đào tạo lao động có kỹ năng cao. Các tác giả chỉ ra một nguyên nhân quan trọng là “vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề và rộng ra là đào tạo lao động có kĩ năng cao ở Việt Nam vẫn hết sức mờ nhạt”, khi Việt Nam vẫn áp dụng cách tiếp cận lấy nhà trường làm trung tâm (school-based). Hệ quả là “Khi chính sách duy trì cách tiếp cận các cơ sở đào tạo là trung tâm và cũng không có ràng buộc gì đối với sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình giảng dạy, các trường dạy nghề dễ trở thành ‘ốc đảo’ trong nền công nghiệp”.

Từ lĩnh vực giáo dục nhìn rộng ra, chúng ta thấy đâu đó cũng có một số vấn đề thách thức khác “Những con sóng ngầm cúm gia cầm” (Thanh Nhàn), “Điện rác: Đắt đỏ và rủi ro” (Nhung Nguyễn), “Hợp tác xã ‘không đồng’ ở Vĩnh Bình (Thu Quỳnh). Có lẽ, những bài học kinh nghiệm cho chúng ta thấy, cần có những cách tiếp cận khác, mới mẻ và sáng tạo để vượt qua.

Trong một số báo đầy ắp thông tin và những câu chuyện hấp dẫn, Tia Sáng sẽ đem lại cho mọi người các góc nhìn mới, khơi gợi nhiều suy nghĩ sâu hơn chuyện thường nhật: “Giải Nobel và cơn sốt AI” (Pierre Darriulat); “Sự kết thúc của lịch sử loài người và câu chuyện cuối cùng: Đọc Nexus của Yuval Harari” (Vũ Đức Liêm); “Nếu vũ trụ là một hologram, toán học có thể giải mã nó” (Anh Vũ lược dịch); “Các bức họa trăm tuổi tiết lộ manh mối những giống cây đã mất” (Tô Vân lược dịch); “Di sản kiến trúc XHCN trên thế giới: Dao động giữa quên và nhớ” (Vũ Hiệp); “Chàng chó: Yoko Tawada và vẻ siêu trần trong nhơ nhuốc”(Hiền Trang); “Stradivari và hành trình tìm kiếm tài hoa” (Ngọc Anh dịch).

Dù không thiếu những bất cập thì hiện thực này cũng nhen nhóm trong chúng ta niềm hy vọng về một ngày mai, bởi nói như Martin Luther King, Jr. “Chúng ta phải chấp nhận những thất vọng hữu hạn nhưng không bao giờ được phép đáng mất hy vọng vô hạn”.

Đó là lý do vì sao chúng ta cần đọc Tia Sáng số này.

BBT Tia Sáng

———————————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 187 times, 11 visits today)