Đón đọc Tia Sáng số 22 tháng 11/2022

Điều gì sẽ đón đợi chúng ta, giữa những trang báo này?

Như thường lệ, mỗi số báo gói ghém rất nhiều suy tư và nỗ lực chuẩn bị của cả ê kíp Tia Sáng với mong mỏi đem đến cho độc giả những góc nhìn mới vào những sự kiện, hiện trạng đang diễn ra giữa muôn mặt đời sống. Thật khó để có được cái đánh giá đúng đắn và kịp thời cho những gì sống động của đời sống hôm nay nhưng việc tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực của mình, đã giúp đem lại những đánh giá ban đầu, qua đó giúp bạn đọc định hình được bản chất vấn đề.

Đó là vấn đề thời luận “Tinh giản biên chế: Sao vẫn loay hoay?” (Võ Thị Hải Minh) khi nhìn vào một trong những nhiệm vụ bền bỉ của đất nước trong nhiều năm qua: tinh giản biên chế. Lâu nay, chúng ta vẫn cứ nghe nói về bộ máy các cơ quan nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến lãng phí các nguồn lực nhà nước, và tiền thuế của nhân dân… Nhưng có thật thế? Và có cách nào để thực sự tinh giản biên chế, đảm bảo chỗ cần tinh giản thì làm gọn nhẹ bộ máy và chỗ cần thiết, đem lại nhiều đóng góp cho đất nước, cần được bổ sung nguồn nhân lực một cách hợp lý? Tất cả những câu hỏi đó, đặt ra như một lăng kính khác để chúng ta nhìn vào và thấy được những nghịch lý “thừa thiếu” tồn tại, do hình thức quản lý biên chế theo cách tập trung và đậm tính “xin – cho”, trong đó nổi bật là “các cơ quan nhà nước thường có tâm lý bảo toàn hoặc làm phình số lượng nhân sự nếu có cơ hội để bảo đảm ngân sách phân bổ năm nay không bị hao hụt so với năm trước”.

Câu chuyện ở góc độ quản lý nhà nước – tinh giản biên chế, khi đặt cạnh câu chuyện vận hành một thành phố – tình trạng tắc nghẽn giao thông: “TPHCM: Giải cứu giao thông trong thành phố có sân bay” (Trương Thị Mỹ Thanh) cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của đời sống hôm nay: chung sống với tình trạng tắc đường. Nhưng việc tắc đường ở một thành phố thông thường và thành phố có sân bay như TPHCM thì có gì khác? Sự kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn cận cảnh, bao hàm nhiều bài toán trong bài toán (giao thông quá cảnh; lưu lượng xe; di chuyển ngoại tỉnh đi/đến sân bay; tổ chức giao thông) càng trở nên phức tạp khi theo lộ trình phát triển, sân bay này từ vị trí vùng ven trở thành trung tâm của không gian phát triển đô thị TPHCM. Cùng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng như TPHCM, sân bay Tân Sơn Nhất đang tự mắc kẹt trong chính vị trí chiến lược của mình. Rất có thể, sự mở rộng của cơ sở hạ tầng không thể giải quyết được trọn vẹn vấn đề gốc rễ của tắc nghẽn giao thông ở nơi này.

Có những vấn đề hiển hiện của cuộc sống hằng ngày mà chúng ta có thể nhìn nhận được ngay như tinh giản biên chế, tình trạng giao thông đô thị nhưng cũng có vấn đề còn lẩn khuất trước mắt người. Đó là lý do các phóng viên Tia Sáng đã thực hiện một chuyến khảo sát, đến tận các bản ở Ý Tý, Tả Phìn… để tận mắt chứng kiến những đổi thay ở nơi 20 năm trước đây từng rơi vào cảnh suy giảm đa dạng sinh học do nạn khai thác những báu vật thiên nhiên một cách bừa bãi và người dân sống một cách chật vật, nghèo khó ở nơi được coi là “vùng lõi của đói nghèo”. Điều gì đã làm đảo ngược tình thế này? Tại sao những người dân miền núi như Chảo Sử Mẩy, Lý Mẩy Chạn, Lý Láo Lở… lại có thể tự tin trở thành những CEO điều hành các doanh nghiệp vận hành dựa trên nền tảng tri thức bản địa được vun đắp cả ngàn năm? Điều gì đã làm hồi sinh mảnh đất này? Liệu đây có phải là cách làm bền vững? Hàng hàng câu hỏi như thế đặt ra, phần nào được trả lời từ “Hy vọng từ tự đa dạng sinh học” (Hảo Linh), “Ba giai đoạn biến cây thuốc thành tiền” (Thu Quỳnh)…

Có lẽ, chưa số Tia Sáng nào lại đậm chất thời sự đời sống xã hội như số báo này, với những câu chuyện của chính bản thân khoa học và của chính xã hội, qua lăng kính khoa học. Ở bất cứ trang báo nào, bạn đọc cũng có thể khám phá chiều sâu trong những vấn đề thời sự hôm nay và sức sống trong những chủ đề tưởng chừng như khô khan, khu biệt: “Xây dựng năng lực khoa học Mở” (Lê Trung Nghĩa), “Dịch bệnh từ sự nóng lên” (Phạm Vũ Miên dịch), “Gốc rễ của vấn đề nằm ở văn hóa” (Leal Koblitz), Selfie: Ẩn chứa nhiều rủi ro” (Thanh Nhàn), “World Cup 2022: Mặt trái của hào nhoáng”, “Tranh của AI: Liệu có phải là nghệ thuật?”; Miyazaki Hayao: Bay trên đôi cánh phụ quyền” (Nguyễn Vũ Hiệp), “Ginette Neveu: Người sinh ra để chơi violin” (Ngọc Tú).

Vậy thì tại sao lại không cầm Tia Sáng số mới lên tay?

BBT

———————————————————————————-

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)