Đón đọc Tia Sáng số 24 tháng 12/2024
Năm 2024 sẽ khép lại với số 24 của Tia Sáng, một số báo với rất nhiều suy nghĩ về đời sống xã hội hôm nay và ngày mai.
Có lẽ, những thay đổi về chính sách trong những tháng cuối năm 2024 đang đặt cho chúng ta những điểm mới mà chúng ta rồi sẽ được nếm trải trong năm tới và các năm tiếp theo. Thật khó có thể đánh giá được tác động của những chính sách mới với xã hội nên việc hiểu về bản chất của công nghệ mà chính sách tác động sẽ đem lại cho chúng ta sự thích ứng kịp thời.
Với tâm thế đó, Tia Sáng chia sẻ những góc nhìn của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực quan trọng với xã hội: công nghệ hạt nhân, dữ liệu, giao thông đô thị.
Dẫu câu chuyện phát triển điện hạt nhân bùng nổ trở lại Việt Nam cách đây chỉ vài tháng nhưng rải rác trong những năm qua, Tia Sáng vẫn cất lên tiếng nói của khoa học về vai trò của điện hạt nhân đối với một xã hội đang phát triển và chống biến đổi khí hậu. Trong số báo này, TS. Minh – Hà Dương, cựu giám đốc khoa học CNRS (Pháp), chia sẻ với chúng ta về lộ trình xây dựng một nhà máy điện hạt nhân “Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Đọc lại cuốn sách của IAEA” và “Thực trạng ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu”.
Về bản chất, một nhà máy điện hạt nhân sẽ hoạt động trong vòng 60 năm và sẽ gia hạn thêm 20 năm nên việc chuẩn bị xây dựng nó phải là dự án mang tính thế kỷ. Những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ của nhà máy điện hạt nhân ngay từ khi khởi động xây dựng đến lúc vận hành và tháo dỡ đòi hỏi một lộ trình nhất quán, cẩn trọng và chính xác. Đó là lý do trong cẩm nang hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhấn mạnh vào 19 thành phần hạ tầng và ba cột mốc quan trọng gắn liền với ba giai đoạn.
Để đảm bảo việc vận hành nhà máy, một kế hoạch chuẩn bị hoàn bị về nhân lực cũng cần phải tiến hành song song, “cần phải được ưu tiên hàng đầu và trở thành vấn đề trung tâm của Việt Nam”. “Nhân lực cho giấc mơ điện hạt nhân” (Thanh Nhàn) đã điểm ý kiến phân tích của các chuyên gia công nghệ hạt nhân về nguồn nhân lực này và thực trạng chính sách phát triển nguồn nhân lực trong thời gian qua. Chưa bao giờ ngành hạt nhân cần chính sách thúc đẩy đến thế, bởi chỉ họ mới hiểu rằng, nguồn nhân lực ấy không chỉ để cho điện hạt nhân mà còn để thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, nhiều ứng dụng khác cho xã hội và tiềm lực cho đất nước.
Câu chuyện giao thông đô thị đang được dự báo sẽ tác động đến những người sống ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM nay mai. Nhân phương án hạn chế xe máy mà Hà Nội đang khuấy lên, TS. Trương Thị Mỹ Thanh (ĐH Công nghệ GTVT) phân tích cho chúng ta “Hạn chế xe cá nhân trong điều kiện nào”?, “Giải pháp xây dựng mạng lưới giao thông công cộng ở các đô thị”. Nhìn từ bài học kinh nghiệm các quốc gia về hạn chế xe cá nhân, chị cho rằng đây là bài toán thách thức mọi chính quyền đô thị. Tuy không có một giải pháp cho tất cả (one-fits-all) nhưng phương án hạn chế cần phải giải được bài toán cốt lõi: chỉ hạn chế xe cá nhan khi có các giải pháp thay thế – giao thông công cộng.
Xa hơn một chút với mọi người song “Thị trường dữ liệu chống độc quyền” (Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Huỳnh Minh Thi), “Phá vỡ thế độc quyền của big tech” (Mai Nguyễn Dung, Tô Kiến Lương” lại đem lại nhiều thông tin có ích, giúp chúng ta hiểu được phần nào những sóng ngầm của dữ liệu, thứ nguyên liệu “vàng ròng” của thế kỷ 21. “Việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các big tech là một trong những nút thắt cổ chai trong nền kinh tế dữ liệu, gây tổn hại đến người tiêu dùng, đe dọa môi trường cạnh tranh và khả năng tham gia thị trường của các doanh nghiệp nội”.
Giữa muôn vàn vấn đề sôi động của đời sống hôm nay, vẫn còn những khoảng lặng để chúng ta thư giãn, suy ngẫm và học hỏi “Vũng Tàu: Hình mẫu về hệ sinh thái ĐMST kinh tế biển?: (Nguyễn Đặng Tuấn Minh), “Kiến trúc Hà Nội thời Bao cấp: Định lượng giá trị để lưu giữ” (Nguyễn Vũ Hiệp); “Nỗi bận tâm về ngoại hình” (Đặng Hoàng Ngân); “Đóa hồng lượng tử của thế kỷ 21” (Nguyễn Bá Ân tổng hợp), “Hai khuôn mặt của không thời gian” (Anh Vũ dịch); “Tết Tỵ” (Lê Thiết Cương), “Dư Hoa: Trường thiên của khổ và sống” (Hiền Trang); “Gennady Rozhdestvensky: “Nhà khảo cổ” của âm nhạc” (Duy Quang).
Chúng ta đã sẵn sàng cho tương chưa? Albert Einstein đã mách bảo chúng ta “Tôi chưa từng nghĩ về tương lai – nó sẽ đến nhanh thôi”.
Vậy tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng và tập hợp đủ 24 số báo năm 2024?
BBT Tia Sáng
———————————————
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Ấn phẩm Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh