Đón đọc Tia Sáng số 4 năm 2022

Một chu trình mới của thời gian lại mở ra trước mắt chúng ta với rất nhiều hy vọng, háo hức đan xen lo âu, hoài nghi… khi đại dịch vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta không thể chối bỏ hiện trạng đó. Trong bối cảnh đó, Tia Sáng số mới như một cuốn “cẩm nang” nhỏ với rất nhiều cung bậc khác nhau, nhiều lớp thời gian khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội… Ở đó, bạn đọc có thể tìm được những hiểu biết mới về những sự kiện tưởng chừng đã lùi vào quá khứ hoặc có thể mở mang thêm về những điều mình đang nếm trải hằng ngày, nhưng không dễ thấu được bản chất bởi nó thường khuất lấp sau những hiện thực chồng chéo, đan cài.

Chúng ta sẽ chờ đón những gì qua những trang báo?

Đó là “Thao túng dư luận xã hội” – nỗi lo về sự tiến hóa của truyền thông do internet và mạng xã hội đang đưa đến một chiều kích mới cho sự định hình dư luận. Ở góc độ của người từng chứng kiến giờ phút khai sinh ra internet khi còn làm việc ở Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu, giáo sư Pierre Darriulat chia sẻ không hình dung hết những gì mà giải pháp kết nối và chia sẻ thông tin này đem lại. Ngày nay, internet và mạng xã hội đã trở thành một công cụ định hình dư luận ở nhiều cấp độ khác nhau, dẫn đến những hệ lụy mà như góc nhìn của ông là “nhiễm độc” cả một quốc gia. “Chúng ta đã chứng kiến sự vô minh như vậy đưa đến những hệ lụy thế nào, những quyết định sai lầm được thực hiện lúng túng trên quy mô toàn cầu, cảm xúc thay thế lí trí và gây ra sự chia rẽ người dân trên toàn cầu thành hai chiến tuyến”, ví dụ như phe ủng hộ đeo khẩu trang và không đeo khẩu trang, phe ủng hộ và phe không tin vaccine…

Có lẽ, điều mà giáo sư Pierre Darriulat muốn nói với bạn đọc một bài học sâu sắc “những con robot chúng ta tạo ra có thể đưa thế giới đi rất xa so với dự định ban đầu, tới những nơi mà sự tồn tại của chúng là điều chúng ta không thể ngờ tới”.

Những nguy cơ ấy đang hiển hiện. Trong “Telegram chống Facebook như thế nào?” (kỳ một), trang mạng xã hội đang ngày phổ biến ở Việt Nam này có nhiều điều chúng ta chưa biết. “Trong thời đại mà các công ty công nghệ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc loại bỏ những phát ngôn thù ghét và thông tin sai lệch thì Telegram hầu như không kiểm soát nội dung, ngoại trừ gỡ bỏ những nội dung khiêu dâm bất hợp pháp và kích động bạo lực. Tại Telegram, một tôn chỉ và cũng là một chiêu marketing: nền tảng này sẽ luôn mở cho tất cả mọi người, bất kể quan điểm chính trị hay hệ tư tưởng”. Nhưng hãy cẩn thận với thế giới trong mơ đó. Telegram hóa ra cũng lại là một cái “ổ trú ngụ”, là công cụ thiết kế hoàn hảo cho các tổ chức cực đoan “lý tưởng để truyền bá nơi công cộng và sau đó mưu đồ một cách bí mật”.

Bên cạnh thứ “đại dịch” của MXH, thao túng truyền thông, chúng ta không thể quên đi đại dịch của tự nhiên mà mình cũng góp phần tham dự COVID, SARS… Giờ đây, dưới góc nhìn Một sức khỏe, chúng ta biết rằng, mình sẽ phải thay đổi hoàn toàn cái nhìn về dịch bệnh, môi trường tự nhiên, nếu muốn tránh lâm phải đại dịch tiếp theo. Những ảnh hưởng của đại dịch hiện tại, chúng ta đã nếm trải. Do đó, ai cũng mong mỏi cho sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế để vực dậy sau đại dịch. Trong “Kinh tế Việt Nam 2022: Kịch bản tăng trưởng nào khả thi?”, GS.TS Lê Văn Cường, Trường Kinh tế Paris (PSE), Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne, đề cập đến một khía cạnh “để tăng trưởng trong quãng 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ phải dựa trên các yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo, cùng với đầu tư vào sức khỏe, giáo dục. Vì trong tương lai, đổi mới sáng tạo là động lực thống lĩnh tăng trưởng ở Việt Nam, và muốn đổi mới sáng tạo thì phải có người biết sử dụng công nghệ, thiết bị, được đào tạo tốt”.

Nhìn vào hiện tại và tương lai, chúng ta vừa lo âu, vừa hi vọng bởi dẫu muôn vàn khó khăn thì những cách vượt qua đã hiển hiện. Có lẽ, chúng ta không thể bước vào tương lai mà không có sự đồng hành của khoa học, giáo dục và sức khỏe.

Trong số báo này, Tia Sáng còn có những loạt bài hết sức thú vị và độc đáo mà bạn đọc khó có thể thấy ở nơi nào khác “Khí hậu với sự hưng thịnh của hai triều đại Lý Trần” (Lư Vĩ An); “Trận Bạch Đằng năm 1288: Có triều cường hay không?” (Nguyễn Bình); “Mô tả các thí nghiệm vật lý lượng tử: Số phức hay số thực?” (Nguyễn Bá Ân dịch); “Gợi ý về chữ “mở” trong giáo dục nước nhà” (Lê Trung Nghĩa); “Hành trình đầu tiên: Điều kỳ diệu của cuộc sống hằng ngày” (Anh Thư); “Xứ Cát: Đấng tối cao cảm thấy điều gì?” (Hiền Trang)…

Đó là lý do mà chúng ta cần đến Tia Sáng như một trong những nơi để đọc, để chiêm nghiệm, để lý giải và hơn thế, để thấy cuộc sống này vẫn nhiều điều tốt đẹp.

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)