Đón đọc Tia Sáng số 4 tháng 2/2024
Số báo Tân Xuân như một món quà đầy năng lượng và vui tươi mà Tia Sáng gửi tới độc giả trong những “ngày rộng tháng dài”.
Thật khó nói hết những suy nghĩ của ê kíp Tia Sáng khi cùng nhau lên nội dung số báo này. Các câu chuyện của cuộc sống hôm nay, xã hội hôm nay và con người hôm nay muôn hình vạn trạng, trạng thái biến đổi không ngừng và lúc nào cũng có thể đột sinh ra cái mới. Do đó, việc định hình được vấn đề và bản chất cốt lõi của nó luôn thách thức chúng ta.
Đó cũng là một trong những lý do vì sao, GS Pierre Darriulat trong bài viết “Biến đổi khí hậu và huyền thoại con tàu Noah”, đã chia sẻ cái nhìn thấu suốt về sự thật tồn tại “các quốc gia giàu có và phát triển mới chính là thủ phạm chính trong việc làm tăng nồng độ CO2 trong khí quyển suốt thế kỉ qua, cứ tiếp tục kiêu ngạo rao giảng cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mới chỉ có lượng phát thải trên đầu người bằng 1⁄4 so với những gì họ đang làm. Nó cũng không khiến họ thôi áp đặt thuế carbon lên những mặt hàng họ nhập khẩu từ chúng ta”.
Dĩ nhiên, chúng ta không được quên đi thực tại: Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là trước những hiện tượng thời tiết cực đoan và giữa các quốc gia đang phát triển, mức độ tiếp xúc với những hiện tượng thời tiết và thiên tai của Việt Nam ở mức cao nhất.
Đây cũng là lý do khiến chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận những gì cần phải làm, vừa vặn với tình trạng và phù hợp với chính mình, theo quan điểm của GS Pierre Darriulat: đầu tư vào vốn nhân lực và giải quyết nguồn gốc của đói nghèo, vốn khuếch đại sự tổn thương trước sự biến thiên thời tiết cũng như biến đổi khí hậu; triển khai các biện pháp để đối phó với những rủi ro thời tiết vốn đã đối mặt từ trước đến nay; cân bằng giữa những giải pháp cứng rắn và mềm dẻo, bảo đảm các biện pháp tốn nguồn lực phải được sử dụng vào đúng hoàn cảnh và đạt được những lợi ích mong muốn.
Câu chuyện về biến đổi khí hậu cho thấy, nếu không có những thông tin khoa học được lý giải một cách dễ hiểu mà sâu sắc, tinh gọn mà đầy đủ, không khoan nhượng mà nhân văn thì có lẽ rồi ai trong số chúng ta cũng có thể hiểu lầm.
Nhưng làm sao để chúng ta có được những hiểu biết hữu ích như vậy? Có lẽ, khó có cách nào hiệu quả hơn là chúng ta luôn giữ được tinh thần học hỏi và sự cởi mở. Nhưng bằng cách nào chúng ta duy trì được điều đó giữa cuộc sống bộn bề này? Trong “Vui chơi là bản năng sinh tồn”, tác giả Nhung Nguyễn gợi mở cho chúng ta thấy để có được nhiều năng lượng, tinh thần học hỏi và niềm vui sống thì ngoài học hỏi, chúng ta cũng cần phải biết vui chơi. Bởi “Trải qua hàng thiên niên kỷ tiến hóa, niềm thôi thúc vui chơi vẫn tồn tại trong mỗi con người hẳn phải có lí do quan trọng đối với việc sinh tồn… Trong dòng chảy của các nền văn minh, vui chơi được nâng tầm và thêu dệt vào cuộc sống, tạo nền tảng cho âm nhạc, kịch, chèo, tiểu thuyết, khiêu vũ, lễ hội… xuất hiện”.
Và khi biết rằng “vui chơi là bản năng cả đời mà tạo hóa lập trình cho con người, để giữ chúng ta tỉnh táo và khỏe mạnh”, chúng ta hãy dành cho mình những khoảng thời gian hợp lý để thư giãn, để cảm nhận về những điều đẹp đẽ quanh mình…
Nhưng dẫu có vui chơi nhiều đến như thế nào thì chúng ta cũng không thể quên được thực tại. Hiểu biết sẽ là vũ khí hộ thân. Đó là lý do mà trong số báo này có rất nhiều khoảnh khắc học hỏi và thư giãn, nghiền ngẫm và thả lỏng, sẵn sàng cho mọi người khám phá bất cứ lúc nào: “Tia Sáng: Một không gian đối thoại của trí thức” (Thanh Nhàn); “Mô hình quản trị đại học Mỹ: Hai điểm không phù hợp với Việt Nam?” (Neal Koblitz); “Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam: Loay hoay tìm bản sắc” (Nguyễn Đặng Tuấn Minh); “Oppenheimer gợi mở điều gì?” (Tô Vân); “Một luồng gió mới cho việc thống nhất vĩ đại” (Nguyễn Bá Ân tổng hợp); “Lịch sử thú vị của món polenta” (Thanh An tổng hợp); “Kiến trúc đô thị (Kỳ 3): Văn hóa nơi góc nhỏ phố phường” (Vũ Hiệp); “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm: Đời này sống được nhờ ảo ảnh” (Hiền Trang); “50 Văn học Việt về cyborg (người-máy): Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (Đặng Hà): “Soprano Hà My: Cần cả một đời để hoàn thiện giọng hát” (Trịnh Biên thực hiện).
Vậy tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này?
BBT Tia Sáng
——————————————
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh