Đón đọc Tia Sáng số 5 tháng 3/2023

Ê kíp Tia Sáng luôn mong muốn đem lại cho bạn đọc những câu chuyện kể về muôn mặt đời sống, dưới lăng kính của các chuyên gia. Và một số báo mới với nhiều câu chuyện kể như vậy đã có mặt ở tòa soạn.

Có lẽ, chưa khi nào chúng ta cảm nhận được giá trị của thương hiệu hơn thời điểm này, khi hàng loạt vụ việc liên quan đến thương hiệu như Phở Thìn Lò Đúc, Bia Sài Gòn “chiếm sóng”. Những lợi ích có thể đến khi nhượng quyền, với cả người bán và người mua, không đến một cách đơn độc bởi như hai mặt của một đồng xu, lợi ích thường đi kèm rủi ro. “Nhượng quyền là hình thức hiệu quả nhất để tăng tốc phát triển một mô hình và thương hiệu đã được đầu tư chuyên nghiệp hóa. Ngược lại, nó cũng là cách dễ nhất để hủy hoại một thương hiệu dù rất lâu đời, dù rất được thị trường công nhận, nhưng lại hoàn toàn chưa đầu tư đúng mức vào việc xây dựng nền tảng quản trị chuyên nghiệp, nền tảng hỗ trợ đối tác chuyên nghiệp”, chuyên gia nhượng quyền ở Việt Nam với 20 năm kinh nghiệm Nguyễn Phi Vân nhận định trong “Nhượng quyền: Có thể nhanh nhưng phải rất bình tĩnh”.

Nếu đọc bài viết này, người ta sẽ hiểu vì sao việc nhượng quyền thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc lại xảy ra những rắc rối tranh cãi, khiến bàn dân thiên hạ trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực lại rơi vào tình trạng không hiểu ai đúng, ai sai. Bát phở bò xào tái lăn dậy mùi thơm phức, nước dùng sóng sánh hành mùi xanh biếc bất kể bốn mùa đích thị của ông Nguyễn Trọng Thìn ở 13 Lò Đúc, không thể lẫn được với bát phở của ai, người sành phở thường nói vậy. Thế nhưng việc nhượng quyền lại không tuân theo quy tắc cảm tính như vậy. Một trong bốn yếu tố quyết định nhượng quyền thành công và tránh rủi ro cho cả hai bên là khẳng định chủ quyền thương hiệu. “Nếu chưa đăng ký và chưa được bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu, thương hiệu, hay các tài sản khác liên quan đến mô hình và thương hiệu thì bạn hoàn toàn chưa có quyền tài sản để nhượng. Hợp đồng nhượng quyền vì vậy cũng không có tác dụng, vì bên nhượng lúc này chưa có quyền”. Chưa nói đến ba yếu tố còn lại, những vụ nhượng quyền kiểu Phở Thìn Lò Đúc sẽ không thể có được thành công khi chưa được cộp dấu bản quyền thương hiệu của cơ quan quản lý tài sản trí tuệ.

Những vụ việc như thế này không chỉ chỉ dấu cho chúng ta thấy Việt Nam vẫn còn là “miền Tây hoang dã” của nhượng quyền, hay nhìn nhận xa hơn là của sở hữu trí tuệ, mà còn giúp chúng ta nhận ra một điều: thương hiệu do một cá nhân, một tổ chức gây dựng theo thời gian thật quý giá. Hãy bồi đắp, nuôi dưỡng nó, và đừng quên đóng dấu sở hữu nó, một ngày nào đó nó sẽ đem lại giá trị!

Một câu chuyện khác, ê kíp Tia Sáng gửi đến bạn đọc trong số báo này, cũng mang màu sắc không kém phức tạp: vi nhựa. Chúng ta vẫn thấy mọi người nói nhiều đến vi nhựa, chất thải thựa trong vài năm trở lại đây. Nhưng thực chất chúng là gì? chúng từ đâu tới? chúng hành xử như thế nào trong môi trường? chúng có thật sự độc hại, với môi trường và với chúng ta?… Những câu hỏi bất giác xuất hiện trong đầu chúng ta mỗi khi nghĩ về vi nhựa thật ra không dễ trả lời, dẫu các nhà khoa học Việt Nam và thế giới vẫn đang nỗ lực chạy đua. Câu ngạn ngữ “Con đường nào cũng dẫn đến thành Roma”, trong thời đại của đồ nhựa đã chuyển thành “con đường nào cũng dẫn đến đại dương”: đồ gia dụng tiêu dùng đến các loại thiết bị, điện tử, thiết bị y tế, đồ dùng học tập, đồ chơi, đồ dùng chăm sóc cá nhân, ngư cụ… đều có thể trở thành chất thải nhựa hay phát thải vi nhựa ngay trên những con sông và ra đến đại dương. “Thế giới đồ nhựa đang bủa vây con người trong một tiến trình khó có thể đảo ngược” (Vi nhựa: Một đại dịch khác).

Trong quá trình ê kíp Tia Sáng thu thập dữ liệu để lên chuyên đề về vi nhựa, những thông tin mới không ngừng được cập nhật, tìm thấy vi nhựa trong cá tôm sò vẹm, muối biển, nghĩa là nó bắt đầu đi vào chuỗi thức ăn. Nhưng không dễ đưa ra một kết luận về tác động của nó với cơ thể sống. Vậy chúng ta có thể làm gì trong tình thế này? Có lẽ, trước khi đón nhận một vài kết luận sẽ đến từ khoa học, chúng ta cần hiểu biết hơn và hành xử có trách nhiệm hơn.

Trong số báo này, không chỉ có hai câu chuyện về nhượng quyền và vi nhựa khiến chúng ta phải suy ngẫm. Qua từng trang từng trang, dù giở một cách lơ đãng thì chúng ta vẫn có thể bắt gặp nhiều câu chuyện khác, từ quá khứ đến hiện tại, mang đầy màu sắc gợi mở “Friend-Shoring: Cơ hội đến bờ Việt Nam?” (Phạm Hoàng Văn), “Kinh doanh và khởi nghiệp trên nền tảng văn hóa” (Nguyễn Đặng Anh Minh – Nguyễn Đặng Tuấn Minh), “Chúng ta vẫn luôn xao nhãng” (Nguyễn Hoàng Thạch dịch), “Để khoa học Mở đi đúng đường” (Lê Trung Nghĩa), “Những Mặt trời của Koyama Hisako” (Nguyễn Bình dịch), “Bí ẩn cái chết của nhà thơ Pablo Neruda” (Tô Vân tổng hợp), “Serotonin: Đừng sợ hạnh phúc, vì nó không tồn tại” (Hiền Trang), “Đồng niên vãng sự: Căn tính tác giả qua ngôn ngữ điện ảnh” (Nguyễn Khắc Ngân Vi), “Jascha Heifetz – Nghệ sĩ thuộc về mọi thời đại” (Ngọc Tú).

Một số Tia Sáng như vậy, không thể chỉ để đọc một lần…

BBT

——————————————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả