Đón đọc Tia Sáng số 6 tháng 3/2025
Những xáo trộn và thay đổi liên tiếp của thực tại đang đặt ra những câu hỏi lớn cho chúng ta. Liệu chúng ta có thể tự định vị chính mình và tìm được cách thức tồn tại mới phù hợp với bối cảnh này không?

Một trong những câu trả lời là chúng ta cần những thông tin đúng, những thông tin được phân tích và luận giải thấu đáo để có thể góp phần hình thành hiểu biết của chúng ta. Với mong muốn đó, Tia Sáng số này sẽ mang đến cho bạn đọc những bài viết về các chủ đề thiết thực: chính sách thuế quan mới của tổng thống Trump liên quan gì tới Việt Nam? Tại sao khó cấm thuốc lá điện tử? Khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cần đáp ứng các công ước quốc tế gì? Đằng sau các tuyên bố thiết kế thành công các máy tính lượng tử là gì?…
Quả thật không dễ dàng cho chúng ta tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này. Tuy nhiên, TS. Phạm Hoàng Văn (Mỹ), một chuyên gia kinh tế, đã nhận định “Những gì Việt Nam phải đối mặt giống như một cơn bão thương mại đang đến gần và chắc chắn sẽ đổ bộ”, khi đề cập đến chính sách thuế quan mới của Mỹ và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam, “một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ… thuộc danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ so với quy mô nền kinh tế”. Vì sao vậy”? “Việt Nam trước cơn bão thuế quan của tổng thống Trump” sẽ giúp bạn đọc sáng tỏ vấn đề.
Chúng ta sống trong thời kỳ toàn cầu hóa, những ảnh hưởng của quốc tế lên chúng ta thường khó tránh khỏi. Những ảnh hưởng đó có hai mặt, một mặt có thể khiến chúng ta lao đao nhưng mặt khác giúp chúng ta kiên cường và vững trãi hơn. “Công ước quốc tế về hạt nhân và dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”, chuyên gia pháp quy hạt nhân Lê Chí Dũng, người từng phụ trách tổ chuyên gia kỹ thuật đàm phán với Mỹ về Hiệp định 123 – cơ sở để Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ hạt nhân hiện đại trực tiếp hoặc có nguồn gốc từ Mỹ – phân tích cho chúng ta con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam. Qua đó có thể thấy, việc tuân thủ các quy định quốc tế giúp dự án hạt nhân của Việt Nam trở nên minh bạch hơn, an toàn hơn và nhận được sự hỗ trợ của quốc tế nhiều hơn.
Trong một cuộc tọa đàm ở Tia Sáng trước năm 2014, nhà văn Nguyên Ngọc có nói rằng “Thế giới bây giờ rất phẳng, phẳng ngay từ chỗ ta ngồi”. Nhờ có một thế giới phẳng như vậy mà chúng ta có thể tiếp nhận được cái mới ngay từ khi nó chưa thành hình và có thể còn rất lâu Việt Nam mới có. Phần một “Bí ẩn Majorana và giấc mơ máy tính lượng tử của Microsoft” (TS. Nguyễn Trung Dân) là một bài viết mở ra cho chúng ta một không gian cổ điển và hiện đại để khi nhìn vào đó, chúng ta có thể hiểu phần nào về cuộc chạy đua máy tính lượng tử, vì sao nó hứa hẹn và vì sao nó lại thách thức đến thế!
Vô vàn những vấn đề mới mẻ và thú vị đang chờ bạn đọc ở từng trang: “Cấm thuốc lá điện tử: Thế tiến thoái lưỡng nan của pháp luật” (Ngô Nguyễn Thảo Vy); “Cái ‘bẫy’ của bộ công cụ TVET toàn cầu” (Đặng Hoàng Vị – Nguyễn Thanh Thủy – Trần Đình Tuấn); “Xác suất có lẽ không tồn tại” (Tuệ Tâm dịch); Những thực tại song song trong các thước phim” (Tô Vân); “Theresa Schubert: Nuôi cấy mô người làm thịt nhân tạo” (Nguyễn Vũ Hiệp); “Novecento – Nghệ sĩ dương cầm trên đại dương: Dư thanh của hư vô” (Hiền Trang); “Tiếng chợ” (Lê Thiết Cương); “Stop motion: Thô ráp kể câu chuyện mượt mà” (Phạm Vĩnh Anh); “Nhạc trưởng Simon Rattle: Vẫn còn những tác phẩm tôi thấy quá sức mình” (Ngọc Anh dịch).
Vậy thì tại sao bạn không đọc Tia Sáng số này?
BBT Tia Sáng
———————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Ấn phẩm Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh.