Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: An toàn được đặt lên hàng đầu
Tại hội thảo tổ chức ở Ninh Thuận mới đây, các chuyên gia của Nga và Nhật Bản đều khẳng định, sau sự cố xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cả Nga và Nhật Bản đã nghiên cứu và đưa vào những cải tiến công nghệ tốt nhất, an toàn nhất cho Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Ngày 2/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp tổ chức Hội thảo về “An toàn nhà máy điện hạt nhân và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.
Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga, Công ty phát triển năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật Bản và Công ty điện nguyên tử Nhật Bản đã tham gia thuyết trình tại hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 140 đại biểu đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và nhân dân vùng dự án.
Các đại biểu đã được nghe chuyên gia Công ty Atomstroyexport (Nga) trình bày về công nghệ lò phản ứng VVER của Nga và đề xuất công nghệ áp dụng cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với các đặc tính an toàn đáp ứng yêu cầu chống động đất và sóng thần.
Chuyên gia Công ty điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) thuyết trình về công nghệ lò phản ứng của Nhật Bản và các đặc tính an toàn của các thế hệ lò phản ứng tiên tiến có khả năng chống động đất và sóng thần, hướng khắc phục của Chính phủ Nhật Bản sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Các chuyên gia của Nga và Nhật Bản đều khẳng định, sau sự cố xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cả Nga và Nhật Bản đã nghiên cứu và đưa vào những cải tiến công nghệ tốt nhất, an toàn nhất cho Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Về tiến độ thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Trưởng ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Phan Minh Tuấn cho biết chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết các Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam; Hiệp định tài trợ lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, vay tín dụng xuất khẩu của Liên bang Nga để xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam; Hợp đồng dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Đối với Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký Tuyên bố chung giữa Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân; thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trên lãnh thổ Việt Nam; Hợp đồng dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; Bản ghi nhớ về hợp tác dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với JINED.
Đến nay, đơn vị tư vấn JAPC Nhật Bản đã tiến hành triển khai chụp không ảnh; khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn; khảo sát địa chất đáy biển; triển khai khảo sát địa chất trên đất liền khu vực dự án và vùng phụ cận đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Đối với các dự án thành phần gồm Dự án khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý dự án, Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân, Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Dự án di dân tái định cư các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đôn đốc thực hiện để hoàn thiện quy hoạch chi tiết, kiến trúc công trình; triển khai góp ý chính sách cơ chế đặc thù, góp ý báo cáo dự án đầu tư và thiết kế cơ sở, giải quyết thủ tục đăng ký và giải ngân vốn ngân sách nhà nước cho các hạng mục thực hiện năm 2011, 2012.
Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được khởi công vào tháng 12/2014 và hoàn thành vào năm 2022 (trong đó phát điện hai tổ máy số 1 của 2 nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2020).
Vì vậy, trong thời gian tới, Ban quản lý dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần, trong đó: tăng cường giám sát, đôn đốc tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt chú ý các tiêu chí đảm bảo an toàn, chống động đất, sóng thần; tiếp tục phối hợp, đôn đốc các cơ quan liên quan ban hành các quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để triển khai dự án; tiếp tục duy trì thực hiện công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Ban quản lý dự án cũng sẽ đề nghị với Ban chỉ đạo Nhà nước về một số cơ chế, chính sách đặc thù như: giảm thời gian thực hiện các thủ tục trình duyệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án di dân, tái định cư; cho phép thực hiện thiết kế hai bước đối với các dự án hạ tầng, khu quản lý vận hành; cho phép chỉ định thầu với các công trình, hạng mục đòi hỏi tiến độ gấp; cho phép khởi công san nền, đào hố móng nhà máy trước khi có giấy phép xây dựng; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cho các dự án thành phần.