Dữ liệu ảnh vệ tinh phát hiện sự suy giảm giá trị dịch vụ sinh thái ở Nha Trang
Sự tái định hình môi trường cảnh quan do các hoạt động của con người và sự thay đổi về mục tiêu sử dụng đất đã ảnh hưởng đến giá trị dịch vụ sinh thái ở Nha Trang.
Đó là kết quả của nghiên cứu do nghiên cứu sinh Phạm Trung Kiên, trường Kỹ thuật, ĐH Quốc lập Trung ương, và Tang-Huang Lin, Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ và viễn thám, ĐH Quốc lập Trung ương, Đài Loan thực hiện. Kết quả được nêu trong bài báo “Effects of urbanisation on ecosystem service values: A case study of Nha Trang, Vietnam” (Các tác động của đô thị hóa lên các giá trị dịch vụ hệ sinh thái: Một trường hợp ở Nha Trang), được xuất bản trên tạp chí Land Use Policy.
Các dịch vụ hệ sinh thái (ESs) có được từ các quá trình sinh thái (ví dụ lọc không khí, khử nước bẩn, điều tiết lũ) và những giá trị vô hình khác (văn hóa, giáo dục…). Tuy nhiên những thực hành của con người do sử dụng đất đã tái định hình cảnh quan môi trường và thay đổi thành phần đất, do đó tác động tiêu cực đến các cấu trúc hệ sinh thái và chức năng của nó. Để tìm hiểu về thực trạng dịch vụ sinh thái ở Nha Trang, họ đã dùng dữ liệu viễn thám từ Landsat TM và OLI/TIRS Collection 1 Surface Reflectance trong thời kỳ mùa khô các năm 1990, 2000, 2011, và 2020 để tránh nhiễu mây và các hiệu ứng khác; đồng thời sử dụng nhiều dữ liệu khác của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê Khánh Hòa…
Họ nhận thấy, từ năm 1990 đến 2020, khu vực đô thị đã gia tăng 168 % từ 2069 ha (năm 1990) đến 5552 ha (năm2020), trong đó thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 ghi nhận sự gia tăng lớn nhất của các vùng có mật độ dân số cao nhất, xấp xỉ 8 % mỗi năm, với sự mở rộng gấp đôi lên 3961 ha vào năm 2020. Các ma trận thể hiện sự thay đổi về đất đai cho thấy sự chuyển đổi đất rõ ràng từ trồng trọt đến các khu vực đô thị mật độ dân số thấp đến cao.
Tình trạng này phản chiếu rõ nét lên dịch vụ sinh thái. Ước tính, tổng số dịch vụ sinh thái của Nha Trang đã có xu hướng suy giảm trong ba thập kỷ, dẫu có sự gia tăng đáng kể từ năm 1990 đến năm 2000, từ 148,7 triệu USD lên 172,2 triệu USD, sau đó suy giảm xuống còn 158,7 triệu USD vào năm 2011, và sau đó là 149,3 triệu USD vào năm 2020. Trong tất cả các hệ sinh thái thì các khu rừng hỗn hợp đóng góp nhiều nhất cho toàn giá trị hệ sinh thái, chiếm khoảng 29 đến 45 %, trong khi đồng cỏ chiếm ít nhất với khoảng 0,34 %. Ngoài ra, hai tác giả cho rằng, sự mất mát của diện tích đất nông nghiệp, ao hồ nuôi cá và các khu vực đô thị mật độ thấp là nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng đảo ngược lên toàn giá trị hệ sinh thái.
Khi nhìn về nguyên nhân, họ cho rằng, “có lẽ hoạt động của con người là động lực chính làm thay đổi tình trạng đất đai ở Nha Trang, khi dân số gia tăng làm thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Thêm vào đó, sự phát triển kinh tế và chính sách đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi đất này”. Tuy Nha Trang cũng có những chính sách phát triển rừng nhưng điều đó không bù đắp nổi ảnh hưởng của sự phát triển những diện tích đất trồng cỏ nhân tạo ở công viên, khu nghỉ dưỡng, sân golf…, và của ngành công nghiệp du lịch. Nhu cầu của các cơ sở hạ tầng du lịch là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng của các diện tích trồng cỏ nhân tạo theo năm.
Mặt khác, không thể không kể đến tác động của dân số – Nha Trang đã tăng gấp đôi dân số sau ba thập kỷ, từ chỗ 261.000 người năm 1990 đến hơn 426.000 người năm 2020 – và sự phát triển kinh tế xã hội, qua đó dẫn đến quá trình đô thị hóa, gia tăng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác các nguồn tài nguyên.
Do đó, hai nhà nghiên cứu cho rằng, trong quy hoạch sử dụng đất đai vùng cần ưu tiên cho các cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái hơn là mở rộng đô thị. Và cần những hướng dẫn để tích hợp khái niệm dịch vụ sinh thái vào quy hoạch đô thị để khuyến khích phát triển bền vững và quản lý thành phố có sức chống chịu với biến đổi khí hậu.□