Gánh nặng tâm lý của nhân viên y tế tuyến đầu ở Việt Nam sau đại dịch COVID-19

Chúng ta biết rằng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế tuyến đầu. Thế nhưng, diễn biến của ảnh hưởng này đối với họ khi chuyển sang giai đoạn “bình thường mới” vẫn là câu hỏi bỏ lửng. Một nghiên cứu mới hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế có thể phần nào trả lời câu hỏi này.

Khi diễn ra đại dịch COVID-19, nhân viên y tế tuyến đầu phải làm việc trong áp lực căng thẳng. Nguồn: MOH

Nghiên cứu sinh Vũ Toàn Thịnh tại Trường Cao học Y tế Công cộng và Chính sách Y tế thuộc Đại học Thành phố New York, Mỹ (CUNY-SPH) cùng các đồng nghiệp ở Việt Nam, Úc và Indonesia đã thực hiện một nghiên cứu đa trung tâm mới và phát hiện ảnh hưởng tâm lý lâu dài nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đối với nhân viên y tế tuyến đầu ở Việt Nam.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí BMC Health Services Research.

Nhóm nghiên cứu thực hiện một cuộc khảo sát cắt ngang ở nhân viên y tế tại hai cơ sở điều trị COVID-19 lớn nhất ở TPHCM là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện dã chiến số 14, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/2022. Thời điểm này đánh dấu khoảng hai năm bốn tháng sau làn sóng COVID-19 lớn đầu tiên và bảy tháng của trạng thái “bình thường mới” ở Việt Nam.

Tiêu chí chọn người tham gia là các nhân viên y tế được giao nhiệm vụ ứng phó với dịch bệnh. Cụ thể, họ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại các phòng khám nghiên cứu, bất kể vai trò chuyên môn là gì. Tổng cộng có 462 nhân viên y tế được mời tham gia nghiên cứu, gồm 440 nhân viên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và 125 nhân viên tại Bệnh viện dã chiến số 14.
Họ trả lời bảng câu hỏi gồm ba phần: thông tin chung và nhân khẩu học, tự đánh giá sức khỏe tâm thần, và tác động của việc công tác trong đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần bao gồm trầm cảm, lo âu và mất ngủ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện gần 3/4 người tham gia từng trải qua đau khổ về mặt tâm lý, bao gồm các triệu chứng trầm cảm (26,8%), lo âu (20,8%) và mất ngủ (23,4%) ngay sau đỉnh điểm của đại dịch. Điều này cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt so với các ghi nhận trước đại dịch. Theo báo cáo, trước khi đại dịch diễn ra, 85,3% người tham gia đánh giá sức khỏe tâm thần của họ là tốt hoặc tốt hơn, con số này rơi xuống 40,7% trong thời kỳ dịch bệnh và chỉ phục hồi một phần lên mức 55,6% tại thời điểm nghiên cứu là sau đại dịch.

Các yếu tố dự báo quan trọng về kết quả sức khỏe tâm thần kém bao gồm tiền sử bệnh về thể chất và tâm thần trước đó, tham gia công tác trong làn sóng lây nhiễm thứ ba và thứ tư bùng nổ tại nước ta, và làm việc tại các bệnh viện dã chiến. Đáng chú ý, nhân viên y tế vốn có vấn đề về sức khỏe tâm thần từ trước đại dịch có nguy cơ cảm thấy lo âu cao gấp bốn lần, và những nhân viên công tác tại bệnh viện dã chiến có nguy cơ mất ngủ cao hơn gấp hai lần.

“Các phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tác động tâm lý dai dẳng mà đại dịch COVID-19 gây ra cho lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu của Việt Nam” – anh Thịnh chia sẻ. “Điều quan trọng là chúng ta cần ghi nhận sự hy sinh của những người này và cung cấp cho họ nguồn lực sức khỏe tâm thần cần thiết để đảm bảo sức khỏe về lâu về dài. Điều này không chỉ quan trọng đối với riêng những người trong hoàn cảnh đó, mà còn ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của toàn bộ hệ thống y tế”.

Mang nặng trách nhiệm chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế có thể bỏ qua các vấn đề sức khỏe tâm thần của chính mình. Vì thế, một điều cấp thiết cần làm là khởi động chương trình sàng lọc với các dịch vụ hỗ trợ tâm lý liên tục cho nhân viên y tế ngay từ đầu các đại dịch có thể sẽ ập tới. Do đó, nghiên cứu nhấn mạnh vào nhu cầu cấp thiết về thiết lập các hệ thống hỗ trợ sức khỏe tinh thần toàn diện trong ngành y tế. □

Phương Anh tổng hợp

Nguồn: “Beyond the pandemic: The enduring psychological burden on Vietnam’s frontline health care”. CUNY PH

“Exploring the magnitude and predictors of the long-term psychological impact of COVID-19 on frontline healthcare workers in Vietnam: a multi-center, cross-sectional study”. BMC Health Services Research.2025

* Bài đã đăng Tia Sáng số 13/2025

Tác giả

(Visited 77 times, 2 visits today)