Gia tăng mối lo ngại về biến đổi khí hậu và sức khỏe ở Việt Nam 

Một công bố tổng quan các nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sức khỏe ở Việt Nam đã cho thấy điều đó. Công bố “Climate change and human health in Vietnam: a systematic review and additional analyses on current impacts, future risk, and adaptation” [Biến đổi khí hậu và sức khỏe con người ở Việt Nam: tổng quan hệ thống và phân tích bổ sung về tác động hiện tại, rủi ro trong tương lai và khả năng thích ứng], đăng trên tạp chí The Lancet Regional Health - Western Pacific, đã đánh giá các công bố khoa học, các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu hiện tại và phân tích bổ sung về mức độ phơi nhiễm với đợt nắng nóng, tính dễ bị tổn thương, sự tham gia của cộng đồng và các cam kết chính sách cũng như dự báo chi phí y tế liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam đến năm 2050.

Ảnh: climatechange.searca.org

Kết quả rà soát cho thấy xu hướng ngày càng tăng về số lượng các bài viết và phạm vi chủ đề nghiên cứu ngày càng mở rộng, đặc biệt kể từ năm 2014. Các nghiên cứu liên tục đánh giá tác động của nhiệt độ cao đến nguy cơ tử vong và nhập viện, đặc biệt đối với các bệnh nhạy cảm với khí hậu như bệnh truyền nhiễm, bệnh tim mạch, hô hấp và thận. Nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi cũng góp phần đáng kể vào sự lây lan của các đợt bùng phát, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Các vấn đề khác liên quan đến khí hậu như lũ lụt, lượng mưa cực lớn và hạn hán được cho là làm tăng tỷ lệ tử vong, thương tích và nguy cơ nhập viện cũng được quan tâm đánh giá nhiều hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một số cơ chế sinh học có thể tiềm ẩn các tác động xấu đến sức khỏe. Các cơ chế này có thể có nhiều mặt, liên quan đến các phản ứng căng thẳng sinh lý, phản ứng miễn dịch và những thay đổi ở cấp độ tế bào liên quan đến khí hậu như nhiệt độ cực cao, lạnh hoặc độ ẩm. 

Kết quả của các phân tích bổ sung chứng minh rằng mức độ phơi nhiễm với sóng nhiệt đã tăng liên tục trên tất cả các vùng ở Việt Nam và mức độ dễ bị tổn thương do nhiệt ở Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu. Những phân tích này cho thấy nên phát triển các mô hình dự báo để ước tính những thay đổi tiềm ẩn trong tương lai. Cách tiếp cận như vậy sẽ mang lại cái nhìn toàn diện hơn, kết hợp cả xu hướng lịch sử và dự đoán trong tương lai. Hơn nữa, ước tính về chi phí chăm sóc sức khỏe, tử vong sớm và mất năng lực làm việc liên quan đến biến đổi khí hậu vào năm 2050 nhấn mạnh những chi phí và thách thức đáng kể mà ngành y tế và và nền kinh tế phải đối mặt trong những thập kỷ tới. 

Phân tích các bài báo về biến đổi khí hậu và sức khỏe trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cho thấy số lượng bài báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã tăng đều qua các năm, phản ánh sự quan tâm và nhu cầu thông tin liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số lượng ấn phẩm truyền thông của chính phủ còn thấp. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cơ quan chính phủ trong việc xây dựng và phổ biến các kiến thức khoa học và chính sách về sức khỏe.

Đánh giá cũng chỉ ra rằng, năng lực thích ứng của hệ thống y tế, đặc biệt là ở cấp cơ sở, còn tương đối thấp và sẽ ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu năm 2030 về chăm sóc sức khỏe toàn dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi – nơi có mức độ bao phủ bảo hiểm y tế thấp hơn và dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu. Một trong những thách thức chính nữa là cách tiếp cận từ trên xuống trong xây dựng và thực hiện chính sách y tế. Cách tiếp cận này đã dẫn đến việc thiếu xem xét bối cảnh và ưu tiên cụ thể cho các địa phương, hạn chế quyền tự chủ của chính quyền địa phương trong việc phát triển các chiến lược địa phương. Ngoài ra, vai trò của Bộ Y tế trong các chiến lược quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được thừa nhận, cũng như sự chồng chéo về trách nhiệm, cùng với sự phối hợp liên ngành không đầy đủ đã cản trở việc xây dựng các kế hoạch hành động hiệu quả.□

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)