Giải thưởng Báo chí KH&CN 2017: Các tác phẩm về chính sách khoa học đoạt giải cao
4 Giải nhất, 4 Giải nhì, 4 Giải ba đã được chọn từ hơn 700 tác phẩm dự thi thuộc các loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình của hầu hết các cơ quan thông tấn báo chí lớn ở trung ương và địa phương.
Tham dự Lễ trao giải Giải thưởng Báo chí KH&CN 2017 có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi và đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và một số cơ quan nghiên cứu.
Đánh giá về vai trò của báo chí với công tác tuyên truyền hoạt động khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận xét: “Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN. Báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đây cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân”.
Ông Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội đồng Chung tuyển Giải báo chí về KH&CN cho biết: “Theo đánh giá của Hội đồng Chung tuyển, năm nay, các tác phẩm báo chí dự thi thuộc cả bốn loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình đều có những tác phẩm tốt”. Các tác phẩm báo chí thuộc bốn loại hình trên đã phản ánh đầy đủ hoạt động của ngành KH&CN, với các nội dung cho thấy vai trò của KH&CN trong việc phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Thể hiện được vai trò của ngành KH&CN trong hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0).
Những tác giả dự thi đã phản ánh khá tốt về mặt quản lý khoa học, thông qua nhiều bài viết mang tính hệ thống về cơ chế chính sách KH&CN nhằm tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh phát triển KH&CN, góp phần kết nối nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với sản xuất và đời sống. Các tác phẩm cũng phản ánh được sức sống của khoa học ở trong các viện nghiên cứu, trường đại học, địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân; tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong khoa học đến các sự kiện nổi bật về KH&CN. Cụ thể:
Các tác phẩm báo in, báo điện tử đã tạo được hiệu ứng truyền thông tốt về một số chủ đề thời sự như: gắn nghiên cứu khoa học với đời sống, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ các nút thắt trong hoạt động KH&CN, góp phần đẩy nhanh phát triển KH&CN, kết nối nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với sản xuất và đời sống;
Các tác phẩm phát thanh, truyền hình đã được thể hiện rất công phu, từ kịch bản, đạo diễn, tiền kỳ, hậu kỳ, có chất lượng tốt cả về nội dung và cách thể hiện rất chuyên nghiệp, âm thanh hình ảnh sống động, tác phẩm hấp dẫn thuyết phục khán giả. Đây là những tác phẩm đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, cảm xúc mạnh mẽ trong lòng công chúng vì sự đầu tư công phu, dấn thân và đam mê của các tác giả tạo nên hiệu ứng lan tỏa về KH&CN.
Hội đồng Chung tuyển Giải báo chí về KH&CN đã chọn được 4 Giải nhất, 4 Giải nhì, 4 Giải ba và 6 Giải phụ ấn tượng cho các tác phẩm/nhóm tác phẩm xuất sắc (từ hơn 700 tác phẩm dự thi. Đây là sự ghi nhận của Bộ KH&CN trong việc góp phần vinh danh những nhà báo đã nỗ lực hết mình, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi lĩnh vực của ngành KH&CN đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng chính các tác phẩm của mình, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
Các tác giả đoạt Giải nhất Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2017:
1) Tác giả Trần Chí Tuấn (đại diện Nhóm tác giả) báo Đại biểu nhân dân, tác phẩm “Đổi mới cơ chế chính sách để bắt kịp công nghệ mới”
2) Tác giả Lê Văn Hiệp, báo điện tử Vietnamnet, tác phẩm “Chuyện dạy con ở gia đình có hai anh em nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh”
3) Tác giả Thái Mai Quyên (đại diện Nhóm tác giả) Ban Khoa Giáo – Đài Truyền hình Việt Nam, tác phẩm “Sửa đổi luật chuyển giao công nghệ: Nói không với công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường”;
4) Tác giả Tạ Thị Lan, Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam, tác phẩm “Ấn tượng KH&CN Việt Nam năm 2017”.
Phần thưởng cho giải Nhất bao gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Cup của ban tổ chức giải thưởng và phần thưởng trị giá 25 triệu đồng.
Các tác giả đoạt Giải nhì Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2017:
1) Tác giả Nguyễn Hà Ly, báo Công an nhân dân, nhóm tác phẩm “Hành trình vươn ra biển lớn của Startup Việt”.
2) Tác giả Nguyễn Thị Hạnh, báo điện tử Vnexpress, tác phẩm “Trận đánh thứ năm của công nghệ ghép tạng Việt Nam”.
3) Tác giả Huỳnh Thị Thùy Linh, Đài tiếng nói nhân dân TP HCM, nhóm tác phẩm “Thách thức của giáo dục đại học trước CMCN 4.0”.
4) Tác giả Lê Thanh Bình (đại diện nhóm tác giả), Trung tâm phim tài liệu phóng sự – Đài Truyền hình Việt Nam, nhóm tác phẩm “Triển vọng mở với cuộc CMCN4.0”.
Các tác giả đoạt Giải ba Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2017:
1) Nhóm tác giả Đoàn Việt Phương, Lê Thị Hiền, Báo Quân đội nhân dân, tác phẩm “Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên ‘Dr Trần Ngọc Lương’”.
2) Tác giả Phạm Thị Thu Hà, Ban biên tập tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam, tác phẩm “Luật chuyển giao công nghệ”.
3) Tác giả Hoàng Thị Mỹ Hà, Truyền hình thông tấn xã tại TP HCM, tác phẩm “Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng công nghiệp 4.0”.
4) Tác giả Giang Thái Hà, Ban thời sự – Đài Tiếng nói Việt Nam, tác phẩm “Nhà khoa học không chuyên và sáng chế máy nông nghiệp 15 chức năng”.