Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019: Nêu cao tiêu chí ứng dụng của công trình xét duyệt
Khi xét duyệt các hồ sơ giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Hội đồng giải thưởng sẽ chú trọng đến hai “tiêu chí cứng” là sự xuất sắc trong nghiên cứu học thuật và khả năng ứng dụng để có thể tìm được những cá nhân có những công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn đối với xã hội.
Trao đổi về tiêu chí giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ hai. Nguồn: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Đó là những khẳng định của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong lễ công bố giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 diễn ra ngày 13/9/2018. Được Viện khởi động từ năm 2015, giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhằm ghi nhận sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam hoặc nước ngoài thông qua những công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Ngoài việc đáp ứng tiêu chí là có công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín hoặc được đăng ký văn bằng bảo hộ sáng chế, các công trình nghiên cứu của họ được triển khai hoặc có tiềm năng triển khai ứng dụng ở Việt Nam. Đây cũng là điểm khác biệt của giải thưởng nà khi hướng đến những công trình có giá trị ứng dụng trong thực tiễn.
Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu được xét giải thưởng có cần đáp ứng được cả hai tiêu chí “xuất sắc trong cả nghiên cứu cơ bản và triển khai ứng dụng” hay không? Trả lời câu hỏi của một nhà khoa học ở Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khẳng định, cần có cả hai và đây là “tiêu chí cứng”. Tuy nhiên Hội đồng giải thưởng cũng thừa nhận, đạt được hai tiêu chí này không hề dễ dàng, do đó Hội đồng khuyến khích các nhà khoa học chủ động kết nối với các doanh nghiệp để cùng giải quyết vấn đề và đi thẳng từ nghiên cứu tới sản xuất, như vậy sẽ có nhiều khả năng đáp ứng được tiêu chí của giải thưởng là “vừa có hàm lượng khoa học tốt, vừa có tính ứng dụng cao.”
Có một thực tế là, cần có thời gian để đánh giá công trình nào có khả năng đem lại hiệu quả lớn trong ứng dụng và tạo ra tác động lớn với sản xuất, với xã hội trong khi việc xét giải thưởng thường bị giới hạn bởi thời gian. Trước thực tế này, Hội đồng giải thưởng cho biết, với những công trình dù chưa được triển khai ứng dụng trong hiện tại thì Hội đồng vẫn mở cơ hội xem xét đánh giá, trao giải nếu công trình đó thể hiện được tiềm năng.
Để giải thưởng có thêm sức lan tỏa, một số ý kiến cho rằng, thời gian tổ chức ba năm một lần, mỗi lần trao tối đa 3 giải thưởng, mỗi giải thưởng không quá ba nhà khoa học là giới hạn “hơi bị hẹp” với giải thưởng. Một đại diện của Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) nêu thắc mắc khác, với những công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng cần có tính bảo mật thì không thể có công bố hay đăng ký văn bằng sở hữu trí tuệ, vậy làm sao đáp ứng được điều kiện giải thưởng? Trước ý kiến này, Hội đồng giải thưởng ghi nhận và sẽ xem xét để có những điều chỉnh phù hợp, giúp giải thưởng ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hơn.
Chia sẻ về giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất năm 2016, một số thành viên thuộc Hội đồng khoa học giải thưởng năm đó đã nêu lại một số thông tin trong quá trình xét duyệt: khi xem xét hồ sơ, có nhiều công trình xuất sắc nhưng khi đến công trình “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người” của GS.TS Hoàng Thủy Nguyên, tất cả đều thống nhất đây chính là công trình xuất sắc nhất. Lúc đó, các nhà khoa học trong hội đồng góp ý rằng ngoài GS Nguyên, ở Việt Nam còn một nhà khoa học nữa cũng rất xuất sắc trong nghiên cứu vắc xin – cố GS Đặng Đức Trạch. Nhờ một số thành viên trong hội đồng chuyên môn đều là những nhà khoa học kì cựu trong ngành y và “nắm rất chắc về hai nhân sự này”, tất cả đã nhất trí là phải hoàn thiện hồ sơ cho cố GS Đặng Đức Trạch. Sau khi công bố giải thưởng, cộng đồng khoa học đều tán thành, “tâm phục khẩu phục” với kết quả này.
Sau lễ công bố, Hội đồng giải thưởng sẽ đón nhận các hồ sơ đăng ký đến ngày 31/12/2018. Sau đó, Hội đồng khoa học chuyên ngành sẽ được thành lập để xét duyệt và chọn ra những ứng viên xứng đáng nhất để vinh danh tại lễ trao giải dự kiến tổ chức vào tháng 5/2019.