Giảm khí thải nhà kính bằng cách thay đổi thuốc gây mê

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia sử dụng desflurane, loại khí gây mê có ảnh hưởng nhất đến khí hậu, ngày một gia tăng.

Nếu hoàn toàn thay desflurane bằng sevoflurane, tác động của khí gây mê đối với khí hậu toàn cầu có thể giảm thêm 69%. Ảnh: Shutterstock

Thuốc gây mê thuộc nhóm halogen có tính chất dễ bay hơi, được sử dụng trong nhiều thủ thuật y tế khác nhau. Tuy đều là những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhưng trước đây các nhà khoa học chưa có thông tin về tác động toàn cầu tổng thể của chúng. Kết quả từ nghiên cứu mới cho thấy lượng khí thải nhà kính toàn cầu từ thuốc gây mê đã giảm 27% trong thập niên qua, xuống còn khoảng 2 triệu tấn CO2e (carbon dioxide tương đương). CO2e là một thước đo của ngành dùng để mô tả nhiều loại khí nhà kính dựa trên nguy cơ nóng lên toàn cầu mà chúng gây ra.

Lượng khí thải giảm đi chủ yếu là nhờ các quốc gia thu nhập cao đang giảm sử dụng desflurane, loại khí gây mê có ảnh hưởng nhất đến khí hậu mà EU đã quyết định cấm từ tháng 1/2026. Tuy vậy, một số quốc gia khác lại sử dụng desflurane nhiều hơn. “Desflurane mạnh hơn carbon dioxide gấp 2.500 lần. Các quốc gia có thu nhập cao, chẳng hạn như Mỹ, đã giảm mạnh việc sử dụng chất khí này. Thế nhưng, desflurane vẫn chiếm hơn 60% lượng khí thải gây ảnh hưởng khí hậu từ khí gây mê. Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, chúng tôi thấy việc sử dụng desflurane đang tăng lên”, Adrien Talbot, nghiên cứu sinh tiến sĩ về gây mê và chăm sóc đặc biệt tại Đại học Lund kiêm cố vấn cao cấp tại Bệnh viện Helsingborg (Thụy Điển), cho biết.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu doanh số toàn cầu về khí gây mê từ 91 quốc gia – bao gồm 80% dân số thế giới. Các nhà nghiên cứu đã tính toán tác động khí hậu của khí gây mê bằng cách sử dụng tiềm năng nóng lên toàn cầu, CO2e trong khoảng thời gian 100 năm, và phát hiện khí gây mê là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể trong chăm sóc y tế.

Talbot cho biết: “Nhóm chúng tôi đã kiểm tra xu hướng sử dụng các loại khí gây mê thông dụng nhất trong giai đoạn 2014-2023. Ở các quốc gia có thu nhập trung bình, lượng khí thải từ desflurane đã tăng gấp ba lần, mặc dù lợi ích duy nhất của nó là thời gian hồi tỉnh nhanh hơn một chút [so với các loại khí gây mê khác]”. Cụ thể, họ thấy doanh số bán desflurane ở các quốc gia có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Nga, Việt Nam… tăng lên, trong bối cảnh doanh số toàn cầu của loại thuốc này giảm đi. Theo suy đoán từ các nhà khoa học, các yếu tố góp phần khiến các nước như Việt Nam vẫn sử dụng desflurane là mức giá cạnh tranh và có chiến lược tiếp thị desflurane nhắm mục tiêu cụ thể vào những nước này.

Chìa khóa để tiếp tục giảm phát thải, theo các nhà nghiên cứu, là chuyển sang dùng sevoflurane – một loại khí gây mê có tác động rất thấp đến khí hậu và có cùng hoặc thậm chí là các đặc tính lâm sàng tốt hơn những phương án thay thế khác. Nếu ta hoàn toàn thay desflurane bằng sevoflurane, tác động của khí gây mê đối với khí hậu toàn cầu có thể giảm thêm 69%. 

Riêng ở Việt Nam, các tác giả ước tính, nếu giữ nguyên hiện trạng, tổng lượng khí thải ra sẽ là 29,898 nghìn tấn CO2e. Song, nếu nước ta thay desflurane bằng sevoflurane, tổng lượng khí thải sẽ giảm xuống còn 13,579 nghìn tấn CO2e (giảm 55% lượng khí thải). Nếu chúng ta làm triệt để hơn nữa, loại bỏ các thuốc desflurane, isoflurane, và halothane và chỉ dùng sevoflurane, thì tổng lượng khí thải sẽ giảm xuống còn 11,306 nghìn tấn CO2e (62% lượng khí thải).

Những thông tin từ nghiên cứu cho thấy việc thay đổi loại khí gây mê trong chăm sóc y tế có thể đem lại lợi ích lớn đối với khí hậu. Đây là cơ sở để các ban ngành và đơn vị liên quan đánh giá, cân nhắc việc áp dụng loại khí gây mê thân thiện với môi trường hơn. Việc này không chỉ góp phần giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, mà còn tạo ra tác động tích cực đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường toàn cầu.

Kết quả nêu chi tiết trong bài viết “Greenhouse gas impact from medical emissions of halogenated anaesthetic agents: a sales-based estimate” được đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health. □

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 66 times, 1 visits today)