Giới khoa học góp ý, kiến nghị về Nafosted

Ngày 19/4 tại Hà Nội, tạp chí Tia Sáng đã tổ chức hội thảo "Xây dựng mô hình tài trợ kinh phí dài hạn của Nafosted cho các tổ chức nghiên cứu" với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, và lãnh đạo đại diện Bộ KH&CN, Nafosted, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.

Đa số các nhà khoa học đánh giá sự ra đời và hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Nafosted – trong thời gian qua đã tạo sự thông thoáng hơn trong cơ chế tài chính cho các đề tài nghiên cứu, đồng thời giúp tăng tính khách quan trong hoạt động phê duyệt, thẩm định các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, với yêu cầu các đề tài phải đáp ứng tiêu chí về số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí ISI.

Tuy nhiên trong công tác quản lý, phê duyệt, nghiệm thu các đề tài vẫn còn những bất cập đáng kể. Một số nhà khoa học như GS. Hoàng Tụy bày tỏ lo ngại rằng việc lệ thuộc quá mức vào tiêu chí số lượng công trình công bố trên các tạp chí ISI sẽ dẫn tới cách đánh giá không thỏa đáng về giá trị thực chất của các đề tài, đồng thời làm gia tăng số lượng công bố trên các tạp chí ISI kém chất lượng. Một số ý kiến khác lo ngại rằng việc chạy theo số lượng công bố ISI dẫn tới nguy cơ các nhà nghiên cứu xé lẻ các đề tài, không thúc đẩy các đề tài lớn và các mối liên kết nhóm để hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh.

Đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, GS. Trần Ngọc Vương bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng và năng lực các hội đồng ngành của Nafosted, trước thực tế một số các thành viên hội đồng từ nhiều năm nay không có đóng góp gì cho khoa học, và tồn tại những đề tài kém chất lượng bị các cơ quan, tổ chức nghiên cứu loại bỏ nhưng lại được Nafosted chấp nhận phê duyệt và nghiệm thu.

Các nhà khoa học kiến nghị Nafosted trong thời gian tới có những điều chỉnh cải tiến mạnh mẽ, ví dụ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cần sớm có sự phân loại các tạp chí ISI của từng ngành, theo đó các đề tài công bố trên những tạp chí chất lượng cao sẽ được tính điểm nhiều hơn. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích những đề tài có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, những đề tài mang tính dài hạn, và những đề tài thúc đẩy mối liên kết hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp. Ngoài ra, GS. Phạm Duy Hiển và một số nhà khoa học, nhà quản lý đề nghị các cơ quan quản lý có sự đánh giá, nhìn lại giá trị đóng góp của các đề tài Nafosted đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, yêu cầu Nafosted và các đơn vị trong Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, và đề xuất các cơ chế chính sách cụ thể phù hợp để hiện thực hóa các kiến nghị này. Ông cũng cho biết một số nội dung kiến nghị của họ trong thực tế đã được đưa vào dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cho Luật KH&CN sửa đổi, như kiến nghị về quy định không giới hạn quy mô nhóm thực hiện các đề tài nghiên cứu Nafosted (hiện nay đang giới hạn là 7 người), cho phép cấp kinh phí mang tính dài hạn, đồng thời thúc đẩy triển khai cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng – theo đó cơ chế tài chính cho các đề tài nghiên cứu sẽ tiếp tục được cải tiến thông thoáng hơn.

Đối với các kiến nghị khuyến khích các đề tài ứng dụng triển khai phục vụ các doanh nghiệp, các nền công nghiệp, được biết trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tích cực xây dựng, hoàn thiện các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03/04/2014 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Nafosted, trong đó đã có bổ sung một số chức năng quan trọng cho quỹ như bảo lãnh vốn vay, hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi cho những dự án triển khai các ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)