GIS Asie trao giải thưởng cho nghiên cứu về chữ Quốc ngữ
Luận án tiến sĩ của Phạm Thị Kiều Ly là một trong ba luận án xuất sắc nhất được giải thưởng của tổ chức GIS Asie (French Academic network on Asian studies). Do dịch COVID nên lễ trao giải thưởng được Gis Asie tổ chức bằng hình thức trực tuyến vào ngày 2/6/2021.
TS Phạm Thị Kiều Ly cùng nhà nghiên cứu Lịch sử tiếng Pháp và Lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ GS. Dan Savatovsky, Đại học Sorbonne nouvelle – Paris 3 tại buổi bảo vệ Luận án vào năm 2018. Ảnh: NVCC.
Công trình nghiên cứu về sự ra đời và lịch sử phát triển của chữ quốc ngữ này khảo cứu một khoảng thời gian trải dài từ năm 1615 đến 1919, tức là từ thời điểm các giáo sĩ dòng Tên có mặt tại Đàng Trong cho đến khoa thi đình cuối cùng của Triều đình nhà Nguyễn chính thức đánh dấu việc bắt buộc sử dụng chữ Hán trong hệ thống hành chính của triều đình. Nghiên cứu tập trung khảo sát các công trình về ngữ pháp, được biên soạn bằng tiếng Latinh rồi sau đó là công trình bằng tiếng Pháp của các nhà truyền giáo thuộc nhiều đoàn truyền giáo khác nhau, do các nhà nghiên cứu văn phạm (grammarien) người Pháp và người Việt Nam soạn từ năm 1651 đến 1919.
“Trong luận án này, tôi đã cố gắng lần ngược trở lại lịch sử, mô tả tiếng Việt theo kiểu mẫu ngữ pháp Latinh mở rộng, cách làm này còn phổ biến cho tới tận thế kỷ 19, sau đó tôi chuyển sang phân tích đối chiếu để làm nổi bật việc kiểu mẫu ngữ pháp Latinh-Pháp thay thế dần kiểu mẫu ngữ pháp Latinh”, TS Phạm Thị Kiều Ly phát biểu tại lễ trao giải trực tuyến*. Bước nghiên cứu này cho phép chị mô tả được sự sáng tạo nên chữ viết dựa trên bảng chữ cái của tiếng Latinh, và đồng thời mô tả được “lôgic” của việc lựa chọn chữ cái để ghi các âm và sự phát triển của chữ Quốc ngữ trong suốt ba thế kỷ sau đó. Việc nghiên cứu các bản thảo được biên soạn bằng tiếng Việt ghi bằng chữ Latinh cũng cho phép chị dựng lại lịch sử những thay đổi của hệ thống phụ âm của tiếng Việt bắt đầu từ thế kỷ 17 cho tới đầu thế kỷ 20.
Chị đã khảo cứu nhiều nguồn tư liệu đã xuất bản, trong các kho lưu trữ, trong các thư viện của Âu châu và của Việt Nam. Ngoài ra, chị sưu tập và phân tích một số bản thảo chưa được công bố được cất giữ trong các kho lưu trữ, chủ yếu là những báo cáo của các thừa sai dòng Tên của Hội Thừa sai Paris, và thừa sai dòng Đa Minh sang Việt Nam truyền đạo (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20). Phần lớn những tư liệu này được lưu trữ tại Rome, Lisbone, Paris, Madrid và Ávila (thuộc Tây Ban Nha)..
TS Phạm Thị Kiều Ly đã bảo vệ luận án “Lịch sử ngữ pháp và chữ viết dùng chữ cái Latinh của tiếng Việt từ 1615 đến 1919 (La grammatisation du vietnamien de 1615 à 1919: histoire des grammaires et de l’écriture romanisée du vietnamien), tại Đại học Sorbonne nouvelle năm 2018.
“Lịch sử chữ Quốc ngữ cũng đã được rất nhiều các nhà nghiên cứu ngôn ngữ lưu tâm tới, nhưng các công trình này chỉ tập trung vào một giai đoạn, chưa có công trình nào đủ sâu và rộng như công trình này. Hơn nữa, tác giả đã khai thác một lượng lớn các văn bản viết chưa được công bố”, nhà nghiên cứu Michel Ferlus tại Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ khu vực Đông Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) từng nhận xét về nghiên cứu này. “Bà Ly Phạm đã thực hiện một công trình gần như hoàn thiện về một đề tài vô cùng quan trọng, đề tài này không chỉ hấp dẫn các nhà ngôn ngữ học và mà còn cả người dân Việt Nam. Lịch sử của chữ viết dùng mẫu tự Latinh ít được quan tâm tại Việt Nam, kể cả trong giới học thuật ở bậc đại học”.
GIS Asie là một mạng lưới của hơn 2700 nhà nghiên cứu về châu Á, đến từ hơn 50 nước, nhằm kết nối mạng lưới học giả liên ngành KHXH về châu Á, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
——
*Bản dịch diễn từ của Phạm Anh Tuấn.