Giữ an toàn trường học trước thiên tai: Vẫn còn thiếu sót

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (VDMA), trong giai đoạn 2006–2020, đã có một số lượng lớn trẻ em tử vong do thiên tai, trong đó 63% do lũ lụt và lũ quét.

Các em học sinh Trường THCS Văn Lang hoàn thiện bức tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”. Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Bên cạnh đó, hơn 34.643 phòng học đã bị phá hủy hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai, chủ yếu là bão (67%) và lũ quét (27%). Theo UNICEF, Việt Nam là một trong mười quốc gia ghi nhận con số tuyệt đối về trẻ em phải sơ tán cao nhất.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trường học trước thiên tai. Đáng chú ý, vào năm 2019, Việt Nam đã xây dựng Hướng dẫn đầu tiên về đánh giá và triển khai Khung Trường học An toàn Toàn diện (CSSF) – một phần của Sáng kiến Trường học an toàn ASEAN. Đây được xem là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thiết lập một hệ thống an toàn trường học toàn diện tại Việt Nam.

Dựa trên Khung CSSF và bộ công cụ “Đánh giá khả năng chống chịu với thiên tai trong trường học” (SDRA) TS. Kiều Thị Kính (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), PGS.TS Nguyễn Thế Hưng (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và đồng nghiệp đã tạo ra VSSAF, một một khuôn khổ đánh giá gồm 13 chỉ số chính và 30 chỉ số phụ. Một số chỉ số chính có thể kể đến là “Hệ thống cảnh báo sớm”, “Môi trường an toàn”, “Đánh giá rủi ro”, “Cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm”, “Đào tạo giáo viên”. Việc áp dụng VSSAF giúp xem xét các chính sách và hoạt động an toàn trường học tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, họ cũng dùng bảng câu hỏi để khảo sát 96 (trong số 99) trường tiểu học tại Đà Nẵng, một nơi dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và tác động của thiên tai. 

Kết quả là họ nhận thấy Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách quốc gia cụ thể về an toàn trường học, đáp ứng nhiều tiêu chí theo VSSAF và đưa ra cách tiếp cận chiến lược cụ thể. Các trường đã triển khai hiệu quả hoạt động cung cấp kiến ​​thức, nâng cao nhận thức và củng cố các kỹ năng về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho học sinh, giáo viên và các bên liên quan.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và hoạt động triển khai trên thực tế. Chẳng hạn, hoạt động thúc đẩy năng lực của ngành giáo dục trong việc đánh giá rủi ro, lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thảm họa đã được quan tâm và đề cập nhiều trong chính sách, song việc triển khai vẫn còn nhiều thiếu sót do chưa có thống nhất trong quan điểm, đặc biệt là trong bối cảnh ứng phó khẩn cấp. 

Một trong những lý do là chưa xác định rõ ràng vai trò và trách nhiệm của người phụ trách kế hoạch ứng phó của các trường học, đồng thời thiếu các hướng dẫn và nguồn lực để thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn trường học. Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đề cập đến việc thành lập bộ phận phụ trách (gọi chung là tổ) phòng, chống thiên tai tại các cơ sở giáo dục. Theo khảo sát, 100% trường trong nghiên cứu đã thành lập tổ với danh sách thành viên đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ nhưng vai trò và trách nhiệm của các thành viên không được xác định rõ ràng. Ngoài ra, mỗi trường đều có bộ phận Công tác Y tế trường học chịu trách nhiệm lập kế hoạch và triển khai phòng ngừa, kiểm soát thương tích, bao gồm cả ứng phó thảm họa. “Việc hai ủy ban có nhiệm vụ chồng chéo cùng tồn tại, cộng với việc không có quy định về vai trò và trách nhiệm cụ thể của các thành viên trong tổ phòng, chống thiên tai, đã gây cản trở hoạt động phân quyền khi cần ứng phó với các trường hợp khẩn cấp”, nhóm nghiên cứu viết.

Các nhà khoa học nhấn mạnh cần thành lập tổ phòng, chống thiên tai với rõ ràng trách nhiệm của các thành viên và thành lập một quỹ phòng ngừa thiên tai tại mỗi trường, dùng cho cả việc chuẩn bị cũng như ứng phó. Ban quản lý sẽ là người hiểu rõ các đặc điểm tại địa phương để có những điều chỉnh phù hợp. 

Kết quả được đăng tải trong bài báo “Assessment of comprehensive school safety in Vietnam: From policy to practice”, trên tạp chí Progress in Disaster Science. 

Ứng dụng phật giáo trong nâng cao sức khỏe tinh thần: Con dao hai lưỡi?

Bài đăng Tia Sáng số 17/2024

Tác giả

(Visited 108 times, 1 visits today)