GS. Đào Tiến Khoa: Làm khoa học mà không tự nghiêm khắc thì khó trưởng thành

Buổi gặp mặt tri ân giáo sư Đào Tiến Khoa trước khi ông đến tuổi nghỉ hưu, do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) tổ chức mới đây, đã trở thành cuộc trò chuyện chân thành về chuyện làm khoa học và ước mong có được những nhà nghiên cứu giỏi, những nhóm nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam.

Giáo sư Đào Tiến Khoa và hai đồng nghiệp PGS. TS Phạm Đức Khuê (trái), TS. Trần Chí Thành. Ảnh: Mỹ Hạnh

Với những người làm trong ngành hạt nhân nói riêng và vật lý nói chung, cái tên Đào Tiến Khoa không mấy xa lạ. Bốn mươi năm làm trong ngành hạt nhân và hai mươi năm ở Viện KH&KT hạt nhân (VINATOM) bằng sự tận tụy, ông đã “trở thành một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế của thế hệ mình” như nhận xét của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM tại buổi gặp mặt. Cách đây hai năm, bên lề tọa đàm “Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật lý”, PGS. TS Đỗ Vân Nam (ĐH Phenikaa) cho biết, bài báo được trích dẫn nhiều nhất của vật lý Việt Nam là công trình của giáo sư Đào Tiến Khoa. Đây cũng chỉ là một trong số hơn 100 công trình được ông xuất bản trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành, kể từ bài báo đầu tiên khi làm ở Dubna năm 1982.

Trong khoa học, khi đánh giá về sức đóng góp của người làm nghiên cứu, người ta thường nhìn vào các công bố, trích dẫn – một dạng kết quả lao động đã được cộng đồng khoa học trong chuyên ngành hẹp bình duyệt. Nếu nhìn theo nghĩa đó thì “việc có được một người với h – index trên 34, hơn 5000 trích dẫn, xuất bản trên các tạp chí hàng đầu của lĩnh vực mình như GS. Đào Tiến Khoa là vinh dự của vật lý hạt nhân Việt Nam”, theo PGS. TS Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân. Thậm chí, ông từ lâu đã “xứng đáng được xếp vào nhóm nhà khoa học nổi bật (distinguished professors) bởi đối với một nhà nghiên cứu có số lượng trích dẫn khoảng 2000 lần đã được vào nhóm này”, theo TS. Trần Chí Thành.

Nhưng có lẽ, một trong những điều khiến cộng đồng khoa học trân trọng GS. Đào Tiến Khoa còn nằm ở khía cạnh khác, đó là tinh thần đấu tranh thẳng thắn trước những điều bất cập trong quản lý khoa học. Vào cuối những năm 2000, ông đã cùng nhiều nhà khoa học đàn anh lên tiếng đòi hỏi tinh thần hội nhập quốc tế trong môi trường khoa học Việt Nam trên Tia Sáng, từ việc đầu tư chính đáng cho khoa học cơ bản đến nâng cao chất lượng nghiên cứu. Cuộc đấu tranh thành công, Quỹ NAFOSTED ra đời đem đến một không khí mới và đột phá đầy ý nghĩa cho khoa học Việt Nam. “Thực ra đó là tiếng nói của các nhà khoa học, các nhà trí thức trước những khó khăn và trở ngại trong lòng khoa học Việt Nam. Chỉ có những người vì cái chung mới dũng cảm lên tiếng”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết nhân chia sẻ về tác động của một bài báo do GS. Đào Tiến Khoa viết về việc phải kết nối trở lại với cơ sở dữ liệu khoa học ScienceDirect cách đây khoảng sáu, bảy năm.

Khi nhìn lại con đường làm khoa học, GS. Đào Tiến Khoa không nói về những gì đã làm được mà xúc động khi nhắc đến niềm vui làm nghề: “Thế hệ tôi thời đó rất mừng là được nối nghiệp các bậc đàn anh như GS. Cao Chi, GS. Phạm Duy Hiển. Lúc đó chúng tôi ngây thơ, lúc nào cũng nghĩ là học xong làm việc phục vụ đất nước, được nối nghiệp là may mắn… Các anh lớn tuổi đến bây giờ vẫn đóng góp cho khoa học, đó là tấm gương lớn cho tôi”.

Niềm vui làm nghề như vậy, không dễ truyền cho thế hệ sau, trong bối cảnh hôm nay, khi phần lớn lựa chọn của giới trẻ đều thiên về kinh tế, tài chính… “Làm khoa học mà không tự nghiêm khắc với mình thì khó trưởng thành. Đó là việc của cả đời. Nhưng bây giờ cũng không phải dễ để nói với các bạn trẻ về niềm đam mê khổ hạnh làm khoa học bởi dù đời sống xã hội đã khá lên nhưng đời sống của cán bộ trong ngành vẫn còn khó khăn”, ông nói và chia sẻ thêm mơ ước được chứng kiến nhiều bạn trẻ đến với ngành hạt nhân mới có thể có điều kiện “chọn lọc nhiều mới có được người xuất sắc, xây dựng được những tên tuổi vào hàng top ở một vài lĩnh vực và có kết nối với quốc tế”.□

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)