GS Trần Quốc Vượng – “một trí tuệ nhạy bén, sắc sảo, luôn luôn tìm tòi cái mới”
Ngày 17/08 tọa đàm khoa học “Còn là tinh anh” nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của GS Trần Quốc Vượng đã diễn ra tại trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là dịp để các thế hệ bạn bè, đồng nghiệp, học trò ôn lại những kỷ niệm với GS Trần Quốc Vượng cũng như thảo luận về những di sản GS Trần Quốc Vượng đã để lại.
Theo đó, tên của bốn chủ đề – bốn phiên trong tọa đàm lấy tên bốn cuốn sách của GS Trần Quốc Vượng “Theo dòng lịch sử”, “Việt Nam khảo cổ học”, “Văn hóa Việt Nam: Tìm tòi và suy ngẫm”, “Việt Nam: Cái nhìn địa – văn hóa”, nhằm ghi nhận những đóng góp của ông trong xây dựng nền sử học Việt Nam, trong xây dựng và phát triển nền khảo cổ học Việt Nam, trong nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.
GS Trần Quốc Vượng thuộc lứa học trò đầu tiên của của các nhà giáo, nhà khoa học sử học tâm huyết như GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Trần Đức Thảo…; là một trong “tứ trụ” của nền sử học và KHXH&NV hiện đại (gồm các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, thường gọi là “tứ trụ” Lâm, Lê, Tấn, Vượng).
Nhận xét về bạn học đồng thời là đồng nghiệp, GS Phan Huy Lê khẳng định: “GS Trần Quốc Vượng có một phong cách, cá tính mà không có người thứ hai nào có thế so sánh được. Điểm nổi bật, căn bản GS Trần Quốc Vượng để lại là tư duy của ông, trí tuệ của ông. Một trí tuệ rất nhạy bén, sắc sảo, luôn luôn tìm tòi những cái mới; không bao giờ bằng lòng với những hiểu biết không những của bản thân mình mà còn của cả giới sử học; luôn luôn có thái độ phản biện, phản biện đến cùng”.
Theo GS Phan Huy Lê, chính GS Trần Quốc Vượng là người đề ra các ý tưởng mới: xây dựng ngành nghiên cứu về Đông Nam Á, đưa ra khái niệm “biên giới học”, lật ngược lại những quan điểm nhận thức từ trước về thời kỳ Bắc thuộc, đặt lại vấn đề nhà Mạc, ghi nhận công lao của các chúa Nguyễn (đặc biệt các chúa Nguyễn thời kỳ đầu: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị) trong việc thống nhất đất nước, phát triển văn hóa Việt Nam.
GS Phan Huy Lê cho rằng chính sự phản biện đó là tiền đề hết sức căn bản của khoa học, và “phải có một trí tuệ lớn”, một tinh thần “dũng cảm và táo bạo” như GS Trần Quốc Vượng mới có thể làm được.
TS Ngô Thế Phong thì nhận định, GS Trần Quốc Vượng xứng đáng để trở thành một trường phái, “trường phái Trần Quốc Vượng”; di sản giáo sư để lại không chỉ có những công trình, bài viết mà còn là những lời nói, những ý tưởng giáo sư trao đổi với học trò trong suốt quá trình làm việc. Hoặc như PGS. TS Nguyễn Văn Kim thì GS Trần Quốc Vượng còn có “tầm nhìn vượt thời đại và bản lĩnh của một nhà khoa học chân chính trong những đóng góp nổi bật ở các lĩnh vực sử học, khảo cổ học, văn hóa học”.
Xuất phát từ ý tưởng của nhà sử học Dương Trung Quốc, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc và TS Phạm Quốc Quân cũng đề xuất trường ĐH KHXH&NV là đơn vị đại diện trình lên thành phố Hà Nội việc đặt tên đường phố Trần Quốc Vượng.