Hạt cơ bản
(Tác giả Michel Houellebecq – Dịch giả Cao Việt Dũng - Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Văn hóa Ngôn Ngữ Đông Tây ấn hành tháng 12/2006)
Ở Pháp, Hạt cơ bản được xem là một hiện tượng và rất ăn khách. Năm 1998, khi Hạt cơ bản ra đời, văn đàn Pháp bùng nổ với những khen chê và nhận xét về tầm cỡ của nó cũng như người viết. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, cuốn sách thực sự là một thành công trong việc phê phán xã hội phương Tây hiện nay, cũng như dư âm về những năm 1960-1970 của thế kỉ trước. Nó khiến người đọc dễ liên tưởng và suy tưởng đến Rừng Na–uy của H. Murakami, mặc dù hai lối viết hoàn toàn khác nhau, của hai bậc thầy văn chương ở hai miền đất khác nhau.
Lấy chính đời sống của mình, nền tảng gia đình mình để xây dựng tiểu thuyết, và có lẽ cả chính những đớn đau của bản thân, Houellbecqueq đã xây dựng hai nhân vật chính– hai anh em Bruno Clement và Michel Djerzinski như hai đối trọng trong một cực– xã hội của những phóng túng dư thừa dục vọng, nỗi khốn khổ của con người hiện đại với đời sống trống rỗng, nhàm chán, cô đơn. Xen lẫn với những kí ức tuổi thơ khốn khổ của hai anh em, hai tính cách, hai số phận và hai con đường đi hoàn toàn khác nhau: người anh đam mê tình dục đến mù quáng, người em lại theo đuổi một mô phạm đạo đức lý tính, dịu dàng theo lối của triết gia Kant. Dù cùng chung dòng máu, dù có những xuất phát khác nhau, nhưng cả hai đều chịu chung một số phận: bị kết án không thể hưởng hạnh phúc. Bởi họ, và những người quanh họ, bằng cách này hay cách khác, cuống cuồng lao vào kiếm tìm hạnh phúc hay cố trượt đi bên lề đời, đều cũng chỉ là những nạn nhân đang bị cuốn trong guồng quay xuống dốc không phanh của một xã hội tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng, sự đe dọa của nhân bản vô tính và những bóng tối của giá trị tự do thái quá, trong đó, một phần nguyên nhân không nhỏ là hậu quả của phong trào giải phóng tình dục những năm 60 của thế kỉ trước. Trong guồng quay ấy, đời sống như một quả bom nguyên tử mà mỗi một con người chỉ là một hạt– một phân tử thật bé bỏng bị nuốt chửng mà thôi.
Có thể nói, dưới ngòi bút của Houellebecq, con người hiện đại bị bóc trần, hiện lên thảm hại, trống rỗng, họ chịu đựng từng giây phút tự do như chịu từng nỗi đau đớn có thể cảm thấy được một cách sâu sắc nhất. Đọc tác phẩm, người đọc không chỉ giật mình, không chỉ hướng về chia sẻ, mà còn phải nhìn lại chính những giá trị tự thân của đời sống chúng ta hôm nay, để thấy được sự đớn đau cũng như niềm hạnh phúc hiện có thật lớn lao, thật nhân bản. Giá trị nhân bản của Hạt cơ bản có lẽ chính là ở chỗ đó. Và chính điểm đó, mà cuốn sách tuy không dễ đọc, đã được dịch ra ba mươi thứ tiếng và được đón nhận trên toàn cầu.
Michel Houellebecq là một tiểu thuyết gia rất được chú ý ở Pháp hiện nay. Trước khi trở thành tiểu thuyết gia, ông đã từng là một nhà thơ. Năm 1992, ông in tập thơ đầu tay mang tên Kiếm tìm hạnh phúc, tập thơ đã được trao giải thưởng Tristan Tzara – giải thưởng mang tên một nhà thơ dada danh tiếng. Những tác phẩm tiếp theo của ông, Mở rộng phạm vi đấu tranh (tiểu thuyết – 1994), Ý nghĩa của chiến đấu (thơ –1996), Hồi sinh (thơ– 1999)… cũng đã gây được nhiều tiếng vang. Tuy nhiên, Hạt cơ bản vẫn được xem là tác phẩm thành công của ông, mặc dù sau đó, năm 2001, ông còn có thêm một tiểu thuyết mới, là Plateforme viết về đề tài du lịch tình dục. Sự có mặt của Hạt cơ bản tại Việt Nam là một cơ hội để chúng ta thưởng thức một trong những tác phẩm lớn của tiểu thuyết gia này, một tác phẩm mà theo The New Yorker, nó đã góp phần đưa nước Pháp trở lại cường quốc văn chương trên thế giới.