Họa sĩ Lê Thiết Cương: “Người đi, ừ nhỉ, người đi thực”

Chiều muộn ngày 17/7/2025, Tia Sáng đã vĩnh viễn mất đi một cộng tác viên đặc biệt, một người luôn dành cho Tia Sáng một góc trong trái tim mình – họa sĩ Lê Thiết Cương.

Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: FBNV

Một người đa tài và khao khát tri thức như họa sĩ Lê Thiết Cương, trên con đường hội họa, đã tình cờ gặp Tia Sáng. Khi đó, qua lời giới thiệu của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, ban biên tập Tia Sáng đã gặp họa sĩ Lê Thiết Cương ở Gallery 39 Lý Quốc Sư, tính mua tranh tặng một cộng tác viên, nhà báo Kim Hạnh. Khi biết tranh của mình trở thành một món quà đặc biệt tặng một con người đặc biệt, họa sĩ Lê Thiết Cương đã hào sảng trao tặng Tia Sáng một bức.

Chuyện quen biết ban đầu này đã mở ra một mối giao kết đặc biệt, khi họa sĩ Lê Thiết Cương trở thành một cộng tác viên thân thiết, không chỉ luôn có mặt trong hầu hết các sự kiện mà Tia Sáng tổ chức mà còn trở thành một cây bút quen thuộc ở mục Văn hóa.

Giọng văn của họa sĩ Lê Thiết Cương không lẫn được vào với ai, chỉ nhìn thoáng qua, đã hiển hiện cái khí chất riêng biệt. Những bài viết của ông, ngắn gọn và kiệm lời, bao giờ giữ được một góc nhìn rất riêng, tinh tế và sâu sắc. “Đọc thơ, đôi khi, tôi nhất quyết giữ lại cái quyền không so sánh. Chỉ những tiếng rì rầm dưới chân và sự trôi dạt của nội tâm là không dễ nắm bắt, như thể chúng ta chỉ giữ lại được nước, mà không giữ lại được hạt mưa, chỉ ngửi được hơi khói thuốc mà không sao giữ được làn khói cứ khoanh vòng… Mỗi lần đọc lại Bến lạ là mỗi lần tôi được khơi ra, như thể tôi nhìn những mẫu tự cổ xưa, những biểu tượng khắc trên hang động. Tôi tìm được một cách giải thích lúc nào đó, và lại quên đi, và lại bất ngờ đến một lấp ló mới”.

Một nhà khoa học, mới đây nhắn tin cho Tia Sáng “Tôi vừa đọc được tin họa sĩ Lê Thiết Cương đã mất. Tôi không quen anh ấy nhưng hôm dự sự kiện do Tia Sáng tổ chức, có nghe phát biểu của anh… Một người tài năng và tri thức đầy đặn”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, sự ham hiểu biết và yêu tri thức đã góp phần dẫn đường ông đến với hội họa tối giản. Ảnh: Gallery39

Họa sĩ Lê Thiết Cương đã có một cuộc đời mà, bên cạnh niềm đam mê hội họa và cái đẹp, còn có thêm một cuộc đời của người ham hiểu biết và yêu tri thức. Khi đề cập đến một trong những nguyên nhân khiến mình yêu tri thức đến vậy, ông nói “Tôi được tiếp xúc với các cụ [Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt…] nhiều nên tôi thấy giá trị của tri thức và văn hóa. Và để có lượng kiến thức tương đương với người học trong trường thì mình phải tự học…”.

Cái tinh thần tự học, tự đọc, tự nghiền ngẫm có tác động không nhỏ đến tư duy hội họa. Trong một cuộc trò chuyện với Tia Sáng vào cuối tháng 5/2025, ông chia sẻ “Vì có nhiều con đường, nhiều cách để tiếp cận nghệ thuật, trong đó có hội họa thì con đường hội họa tối giản buộc phải có tri thức… Có tri thức mới giúp mình gạn lọc và việc cô lại, loại bỏ cái thừa cần có tri thức… Bản chất của nghệ thuật là bẻ gẫy hiện thực để tạo ra một khả thể mới”.

Khi nói về nghệ thuật, người ta có thể nói một cách sáo mòn và dễ dãi là con đường sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ. Còn họa sĩ Lê Thiết Cương không thế. Những nhận định về nghệ thuật của ông, luôn phản chiếu một quan điểm mãnh liệt mà ông đeo đuổi trong cả cuộc đời mình “Ông phải hóa kiếp, hóa vàng hiện thực, ông phải giết hiện thực đi, ông không phải tạo ra cái mới mà là cái khả thể, cái có thể, cái sẽ là. Nghệ thuật đừng bao giờ kết thúc cả”; “Nghệ thuật hay ở chỗ, nó làm cho ta không thể an lòng, làm ta luôn trăn trở, luôn muốn gạt đổ bàn tiệc, luôn muốn xóa hết đi, làm ván mới…”

Giờ thì “Người đi, ừ nhỉ, người đi thực”… Con đường nghệ thuật tối giản đã đưa họa sĩ Lê Thiết Cương về bên Bến lạ, một chiều nâu alpha.

Tác giả

(Visited 174 times, 43 visits today)