Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 14: Nỗ lực trở thành diễn đàn quốc tế

Ở lần thứ 14 tổ chức, diễn ra từ ngày 9 đến 10/12/2021 tại thành phố Đà Lạt, hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 (VINANST) vẫn kiên trì mục tiêu trở thành một diễn đàn học thuật quốc tế.

Tuy gặp trở ngại vì đại dịch và từng phải dời lại đến thời gian tổ chức, các nhà tổ chức hội nghị vẫn bền bỉ mục tiêu quốc tế hóa diễn đàn của mình. Đây là lý do giải thích vì sao, tất cả các báo cáo gửi đến hội thảo đều phải trải qua quá trình phản biện một cách nghiêm túc của các hội đồng khoa học. Trước ngày khai mạc, hội nghị đã chọn được 178 báo cáo, trong đó có 103 báo cáo được trình bày (oral presentation) tại các tiểu ban chuyên môn và 75 báo cáo dán bảng (poster).

Trong lộ trình quốc tế hóa đó, VINANST 14 tiếp tục là nơi để các các cán bộ nghiên cứu và các nhà quản lý trong nước có cơ hội trao đổi các kết quả nghiên cứu, phản biện và trao đổi các ý tưởng mới với nhiều nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, công nghệ hạt nhân của các nền khoa học tiên tiến như Nga, Mĩ, Nhật Bản. “Các hội nghị quốc tế là nơi để các nhà nghiên cứu hàng đầu biết được các xu thế và hướng nghiên cứu, những vấn đề mới, những kết quả chuyên sâu của từng lĩnh vực trên thế giới. Tuy nhiều nỗ lực nhưng hiện tại, hội nghị của mình vẫn còn cách đích đến một khoảng cách xa”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN (VINATOM), đơn vị tổ chức hội nghị, thẳng thắn nhận xét. “Chúng tôi cho rằng, khi các nhà khoa học hàng đầu của thế giới tham gia chương trình khoa học, phản biện, và tham dự thì mới coi hội nghị đạt được tầm quốc tế”.

Tại hội nghị lần này, những nội dung được trao đổi, từ phiên toàn thể đến các bảy tiểu ban chuyên môn từ vật lý lò phản ứng, vật lý hạt nhân, dữ liệu hạt nhân, đo đạc phóng xạ… đến y học hạt nhân, đều cập nhật các kết quả mới của các nhà nghiên cứu trong nước cũng như cập nhật các xu hướng mới của từng chuyên ngành hẹp. Để hội nhập và tạo điều kiện trao đổi thông tin, ban tổ chức hội nghị khuyến khích những người tham gia trình bày bằng tiếng Anh.

Ở tầm rộng hơn, VINATOM mong muốn kết nối với các trung tâm, các trường đại học quốc tế như Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (JINR), Viện nghiên cứu hóa lý RIKEN, trường đại học Bang Bắc Carolina (Mĩ)… để có thể hợp tác nghiên cứu và đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Đáng chú ý tại phiên toàn thể, báo cáo của các đại biểu khách mời đều xoay quanh chủ đề này: TS. Grigory V. Trubnikov, giám đốc Viện JINR trình bày báo cáo “Chương trình hợp tác về nghiên cứu hạt nhân giữa Việt Nam và JINR: hiện tại và tương lai”; giáo sư Hiroyoshi Sakurai, giám đốc khoa học Viện RIKEN trình bày về thành tựu và những hoạt động nghiên cứu trong vật lý và kỹ thuật hạt nhân tại RIKEN; giáo sư Đinh Trúc Nam (ĐH bang Bắc Carolina), trình bày về những ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân; giáo sư Masaki Saito (TITECH, Nhật Bản) thảo luận “Liệu năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam?” Về phía Việt Nam, sẽ có một số báo cáo đáng chú ý như “Tình hình thực hiện dự án Trung tâm nghiên cứu KH&CN nghệ hạt nhân và đề xuất các hướng nghiên cứu và ứng dụng chính của lò phản ứng nghiên cứu mới Đà Lạt” (PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền); “Bằng chứng thực nghiệm về hiện thực vật lý của photon đơn năng trong giao thoa hai khe bất đối xứng” (TS. Võ Văn Thuận, Đại học Duy Tân)…

Việc đưa VINANST nói riêng và ngành hạt nhân Việt Nam nói chung lên trình độ quốc tế đã nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là Dubna. Xuất phát từ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong thiết kế và xây dựng lò nghiên cứu mới, Dubna sẵn sàng bỏ kinh phí ra đầu tư trang thiết bị để có một kênh nghiên cứu trên lò, coi đó như một chi nhánh của Dubna tại Việt Nam nhằm mở rộng nghiên cứu về hạt nhân sang các nước Đông Nam Á và là nơi trao đổi ý tưởng nghiên cứu với các đồng nghiệp Đông Nam Á. “Tuy nhiên tôi cho rằng, để nâng lên trình độ quốc tế thì cần sự nỗ lực của tất cả các cán bộ nghiên cứu giỏi trong và ngoài VINATOM, vì mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu trước hết là quan hệ cá nhân”, TS. Trần Chí Thành cho biết 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)