Hội nghị quốc tế “Công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân”
Hội nghị quốc tế “Công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân” diễn ra tại Hà Nội ngày 17/6 qui tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đến từ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng hàng trăm nhà khoa học Việt Nam đã và đang làm việc trong lĩnh vực hạt nhân.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã trình bày một số công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời so sánh ưu điểm, khuyết điểm một số công nghệ. Nhiều cơ sở đào tạo chuyên gia vận hành và nghiên cứu viên của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã trình bày chương trình và kinh nghiệm chuẩn bị nguồn nhân lực cho các nhà máy điện nguyên tử.
Các diễn giả cũng đề cập những yêu cầu của an toàn bức xạ và hạt nhân, các phương pháp và bài học quản lý từ thực tế vận hành các nhà máy điện nguyên tử của Mỹ, Nga và đặc biệt là của Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia cho rằng dù công nghệ điện hạt nhân đã đạt đến trình độ an toàn rất cao, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, chủ yếu do con người không được đào tạo, làm việc không đúng qui trình.
Theo các chuyên gia, so với qui trình xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân ở các nước tiên tiến, quá trình đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam chậm khoảng 5 – 7 năm. Các chuyên gia cũng cho biết đến nay, Việt Nam mới chỉ có một số người học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về hạt nhân, còn những người làm về công nghệ hạt nhân như xử lý sự cố thì chưa có. Vì vậy, theo TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN), điều cần làm trước mắt là đào tạo đội ngũ pháp qui hạt nhân – những người có thể chỉ ra vấn đề an toàn trong quá trình thẩm định, xây dựng, vận hành nhà máy.
Nhân dịp Hội nghị, chiều 17/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Cơ quan pháp qui hạt nhân Liên bang Nga (Rostechnadzor) Kutin Nikolay Georgievich. Thủ tướng tỏ ý mong muốn Rostechnadzor giúp Việt Nam hệ thống pháp qui, qui trình qui phạm vận hành an toàn, đào tạo cán bộ để vận hành tuyệt đối an toàn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong cho biết, Việt Nam đã xem xét khả năng sử dụng năng lượng điện hạt nhân từ những năm 1980. Những nghiên cứu ban đầu về điện hạt nhân được tiến hành từ năm 1996, trong đó có đề án “Nghiên cứu, làm rõ các vấn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam” vào năm 2004. |