Hội thảo bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 9: Cần cập nhật đầy đủ thông tin trên phạm vi quốc gia và quốc tế
Để góp phần kịp thời ứng phó với bệnh Whitmore, thông tin về tình hình dịch bệnh cần được cập nhật đầy đủ, không chỉ trên phạm vi quốc gia mà còn ở cấp liên quốc gia, nhất là những nước có chung biên giới. Đây là vấn đề chính được các nhà khoa học thảo luận trong Hội thảo bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 9 diễn ra từ ngày 16 đến 19/10 tại Hà Nội.
“Dựa trên những thông tin và kết quả nghiên cứu mà các nhà khoa học mang đến hội thảo, chúng ta sẽ có được cái nhìn đầy đủ về bệnh Whitmore diễn ra trên quy mô thế giới và khu vực, qua đó soi chiếu vào những gì đang diễn ra ở Việt Nam để kịp thời phòng ngừa, chuẩn ứng phó”, TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật & Công nghệ sinh học (ĐHQGHN), trưởng ban tổ chức hội thảo, đã nhấn mạnh vào ý nghĩa hội thảo mà Việt Nam lần đầu tiên tổ chức.
Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất gây ra, chủ yếu lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương hở. Những trường hợp bệnh nhân mắc Whitmore dẫn đến hoại tử gây xôn xao gần đây là do thời gian chẩn đoán bệnh lâu nên không điều trị kịp thời. Tuy nhiên, “bệnh này rất dễ chữa nếu phát hiện sớm và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị”, bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm & Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) – một thành viên tham dự hội thảo, cho biết.
Hiện tại, bệnh nhân mắc Whitmore ở Việt Nam dễ bị hoại tử của là do ở các bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ lâm sàng, cán bộ xét nghiệm vi sinh cận lâm sàng chưa nắm được nhiều thông tin và chưa cảnh giác trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh nên dễ nhầm lẫn sang các bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn khác. “Đơn cử như ở một số tỉnh miền Trung giáp ranh với Campuchia, số lượng ca bệnh được chẩn đoán mắc Whitmore rất ít trong khi các báo cáo ở phía bên Campuchia ở khu vực đó lại rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh. Qua đó, cho thấy chúng ta vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu về tình trạng bệnh dịch trong nước và khu vực”, TS. Trịnh Thành Trung giải thích.
Việc có được đầy đủ thông tin là cơ sở quan trọng để điều trị hiệu quả bệnh Whitmore. Ông Direk Limmathurotsakul, Trưởng phòng nghiên cứu các bệnh nhiệt đới Mahidol – Oxford, trường Đại học Mahidol (Thái Lan), đã trao đổi bên lề hội thảo: “Ở Thái Lan, chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu, kết hợp với dữ liệu từ các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng để có được cái nhìn tổng thể về bệnh Whitmore trên cả nước. Đây là cơ sở để chúng tôi xây dựng các chiến dịch quốc gia về bệnh Whitmore ở Thái Lan”, ông nói.