Hội thảo về Bộ sách lớp Một “Giáo dục hiện đại”

Tối 27/9 tại Hà Nội, buổi hội thảo về Bộ sách lớp Một “Giáo dục hiện đại” của nhóm tác giả Cánh buồm đã diễn ra trong sự hứng khởi của các nhà nghiên cứu giáo dục và phụ huynh học sinh.

Mở lời cho những câu chuyện xúc động về chặng đường làm sách của nhóm tác giả làm việc không lương, nhà giáo Phạm Toàn – đại diện nhóm tác giả nói: “Mấy cuốn sách tuy bé bỏng, nhưng ra đời cũng rất chật vật. Nhưng giời cho chúng tôi những cộng sự trẻ tuổi tâm huyết và những người có tâm với nền giáo dục nước nhà, nên cuối cùng cũng có được một thành phẩm để dâng cho các em.”

Bộ sách Hiện đại gồm 4 cuốn: Sách học Tiếng Việt, sách học Văn, sách học Lối sống, sách học Tin học, sách học Tiếng Anh và kèm theo sách Hướng dẫn tổ chức việc học dành cho giáo viên và phụ huynh.

Triết lý thấu suốt toàn bộ sách được gói gọn trong một câu vắn tắt: “Đi học là hạnh phúc”. Muốn có hạnh phúc, người đi học phải được dạy cho khả năng tự học, và học có kết quả. Đó là sự kế thừa những tư tưởng giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại – người đã cùng các đồng nghiệp trong suốt gần 40 năm qua nghiên cứu, giảng dạy mô hình Giáo dục Thực nghiệm.

Tại hội thảo, theo đánh giá của nhiều phụ huynh tham gia hội thảo, được đón nhận dễ dàng nhất là cuốn “Sách học Lối sống”, với các bài giảng giản dị, dễ hiểu, thân thiện với trẻ và giàu tính giáo dục. Riêng cuốn “Sách học Tiếng Việt”, nhiều người vẫn còn băn khoăn vì cách học quá khác lạ, “Thậm chí người lớn chúng tôi cũng chưa hiểu phải hướng dẫn trẻ học như thế nào,” một phụ huynh chia sẻ.

Song, đối với nhiều nhà nghiên cứu, cuốn Sách học Tiếng Việt lại được coi là thành tựu nổi bật của nhóm tác giả. TS. Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh – đại diện câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, giải thích: “Ở trình độ của các bé lớp Một, mục tiêu của môn Tiếng Việt là dạy cho trẻ biết ghi lại đúng những âm mà mình nói ra, để từ sau không bao giờ mắc lỗi chính tả nữa, chứ không phải chủ trương dạy trẻ nhiều từ vựng. Điều này khác với cách dạy cũ là đưa cho trẻ những từ mà người lớn thấy có nghĩa, nhưng đối với chúng lại vô nghĩa.”

Đặc biệt, về cuốn “Sách học Văn”, TS. Nguyễn Thành Nam – một thành viên tình nguyện tích cực trong nhóm tác giả, nêu rõ quan điểm: “Dạy Văn cho trẻ là hướng dẫn để tạo đồng cảm và chia sẻ. Cái lõi của học Văn là giúp trẻ có được sự đồng cảm với những tình cảm người”.

Tương tự, “Sách học Tin học” và “Sách học Tiếng Anh” cũng là những cuốn được biên soạn trên quan điểm giáo dục hiện đại: “Hướng dẫn cho trẻ tự mình tổ chức việc học, tự mình đi đến chân lý”.

Nhóm tác giả Cánh Buồm cho biết đã lên kế hoạch hoàn thiện bộ sách lớp Một, và tiến tới soạn các bộ sách các lớp kế tiếp của bậc tiểu học.

“Mơ ước của chúng tôi là đào tạo ra những con người biết tự học, tự sống, tự làm việc,” nhà giáo Phạm Toàn nói , “Và chúng tôi xin làm một vài ba hòn đá lát đường cho công cuộc cải cách giáo dục”.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)