Hội thảo về con người và sự nghiệp Hoàng Xuân Hãn
Ngày 19 tháng 2, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo Hoàng Xuân Hãn: Con người và Sự nghiệp. Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996) là nhà khoa học, cũng là nhà văn hóa lớn, đã đóng góp cho đất nước những nền tảng quan trọng trong giáo dục và nhiều lĩnh vực học thuật.
Chủ trì cuộc hội thảo là GS. Phan Huy Lê. Tham gia hội thảo có các nhà khoa học, học giả có tên tuổi, các nghiên cứu sinh, và đại diện một số cơ quan truyền thông, báo chí. Qua các nghiên cứu, các bài tham luận, cùng những kỷ niệm cá nhân từ các học giả khác nhau, có thể hình dung lại một lần nữa nhân cách lớn của Hoàng Xuân Hãn, mà tiêu biểu nhất là ba phẩm chất: yêu nước, trung thực, tầm nhìn rộng và sắc bén. Nhân cách đó đã góp phần tạo nên sự nghiệp của ông. Tinh thần yêu nước đã khiến Hoàng Xuân Hãn từ một thạc sĩ toán học trường Sorbonne (Pháp) chuyển hướng nghiên cứu sâu về lịch sử và các lĩnh vực văn hóa của Việt Nam. Trong quá trình đó, bằng tính trung thực và tầm nhìn rộng và sắc bén, ông tích lũy và biên khảo được số lượng rất lớn các tư liệu và nghiên cứu quý giá (tiêu biểu như Lý Thường Kiệt (1949), La Sơn Phu Tử (1952), đóng góp quan trọng cho nền khoa học xã hội và nhân văn còn rất non trẻ của Nước nhà. Ngành giáo dục và các ngành khoa học tự nhiên cũng chịu ơn lớn của người đã có công biến tiếng Việt thành một ngôn ngữ khoa học hàm súc và sáng sủa qua bộ Danh từ Khoa Học (1942). Tới nay, các di sản văn hóa của Hoàng Xuân Hãn vẫn còn nguyên giá trị. Phương pháp luận khách quan, chính xác, chặt chẽ, nhất quán, cùng với tầm nhìn bao quát liên ngành, là những phẩm chất cần phải được giới nghiên cứu tiếp thu, kế thừa.