Hội thảo về động đất tại Sông Tranh

Hội thảo đánh giá tình hình hoạt động động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 3/10 do Hội khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam tổ chức.

Tại đây các chuyên gia nêu ý kiến cần đánh giá sự biến động của môi trường sinh chấn, nguy cơ gây ra động đất kích thích khi hồ chứa hoạt động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về động đất kích thích liên quan đến sự hoạt động của hồ chứa nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại khi động đất kích thích xảy ra.

Theo PGS TS Cao Đình Triều, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và khu vực lân cận có cấu trúc địa kỹ thuật khá phức tạp với hai pha kiến tạo chính: Pha thứ nhất thuộc giai đoạn đầu của Tân kiến tạo; Pha thứ hai thuộc giai đoạn Neogen – Đệ tứ. Các hoạt động kiến tạo của hai pha này đã tạo ra một mạng lưới đứt gãy hoạt động trong giai đoạn Tân kiến tạo.

Thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 17/8 đến sáng 17/9, tại Trạm quan trắc động đất ở Huế và Bình Định, các máy gia tốc lắp đặt tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận 17 trận động đất. Trong đó có hai trận lớn nhất là vào 20h46 ngày 3/9 với cường độ 4,2 độ ritcher và lúc 9h27 ngày 7/9 với cường độ 4 độ ritcher. (Theo VNE)

Cũng theo ông Triều, động đất tại Sông Tranh là một hiện tượng đặc biệt bởi từ trước đến nay chưa từng phát hiện động đất tại khu vực này. Động đất Sông Tranh có biểu hiện dồn dập, thành từng đợt, có xu thế tăng dần về cường độ và tần suất. Đập được xây dựng trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp 2 Trà My với chiều dài lên tới 67km. Mức độ hoạt động động đất có khả năng phát sinh từ 5,0-6,0 độ richter. Đặc biệt, đập được xây dựng trên nền móng đá granit, có nguy cơ gây tai biến địa động lực khác như: trượt – lở đất, nứt – sụt đất và lũ quét có thể ảnh hưởng tới đập thủy điện.

Tại hội thảo, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, cần thiết phải có sự nghiên cứu động đất kích thích hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 thông qua việc thiết lập một mạng trạm địa chấn cố định quanh hồ. Mạng trạm này tối thiểu là 3 trạm, trung bình là 5 hoặc có thể lớn hơn tùy vào từng điều kiện thực tế và được bố trí sao cho theo dõi được các hoạt động động đất có cấp độ từ 1,0 độ richter trở lên song song với các phương án ứng cứu nếu xảy ra kịch bản xấu nhất tại Sông Tranh 2. Bên cạnh đó việc nghiên cứu, đánh giá chi tiết các hiện tượng khác như: nứt, sụt đất, trượt lở đất, lũ quét,…cần được quan tâm hơn nữa nhằm phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế quanh khu vực lòng hồ cũng như các vùng phụ cận.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)