Hợp tác về ghép tế bào gốc tạo máu giữa các nước phát triển và đang phát triển

Lần đầu tiên một hội thảo quốc tế quy mô về ghép tế bào gốc tạo máu, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trên thế giới, được tổ chức tại Việt Nam, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đồng thời tạo sự phối hợp giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu nói riêng cũng như ghép tế bào gốc nói chung.

Hội thảo quốc tế về ghép tế bào gốc tạo máu ở các nước đang phát triển lần thứ nhất diễn ra từ ngày 10 đến 12/11 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Hà Nội, với sự tham gia của Chủ tịch hiệp hội quốc tế ghép tế bào gốc máu và tủy (WBMT), đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều chuyên gia Việt Nam và quốc tế.

Ghép tế bào gốc tạo máu thường được gọi là ghép tủy là một phương pháp điều trị bệnh được ứng dụng nhiều trong ngành huyết học và ung thư học. Tế bào gốc (stem cell) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân bệnh lý hoặc sinh lý. Chính nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại triển vọng trong điều trị các bệnh nan y.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết ở Việt Nam, hoạt động ghép tế bào gốc đã được triển khai từ năm 1995 với việc ghép tế bào gốc tạo máu, sau đó là những nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong các chuyên khoa khác của y học như ngoại khoa, tim mạch, bỏng… Kỹ thuật ghép tế bào gốc là liệu pháp điều trị hiện đại, mang lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Với các nước đang phát triển như Việt Nam, đây là một cơ hội để định hướng phát triển phù hợp, cập nhật thông tin mới, hợp tác mới để phát triển kỹ thuật ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh.

PGS. TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu trung ương cho biết, trên cả nước đã có nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện 108… Viện Huyết học – Truyền máu trung ương tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu trị bệnh từ năm 2006 cho đến nay đã tiến hành ghép được 37 ca (gồm 28 ca ghép tự thân và 9 ca ghép đồng loài).

Trong ba ngày làm việc, hội thảo sẽ tập trung bàn về chiến lược và việc hoạch định chính sách để tổ chức triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tại các nước đang phát triển. Ghép tế bào gốc là một phương pháp điều trị hiện đại nhưng rất tốn kém, do đó các nhà khoa học cùng bàn bạc để có thể tối ưu hóa nguồn lực hạn chế ở các nước nghèo như Việt Nam. Các nhà khoa học sẽ trình bày báo cáo về những thành công, kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép tế bào gốc ở các nước trên thế giới. Đặc biệt, hội thảo sẽ nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành từ nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ, Úc, Đức, Pháp…

Hội thảo cũng khuyến nghị đưa chương trình ghép tế bào gốc trở thành một trong những chính sách y tế quốc gia, nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền và các nhà hoạch định chính sách.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)