Hướng tới một nền nông nghiệp thích nghi với khí hậu
Phát biểu trong cuộc họp vào ngày 28 tháng 2 tại London, ông John Beddington Cố vấn trưởng về khoa học cho Chính phủ Anh nói: Lương thực là vấn đề nổi cộm nhất trong năm 2011.
Ông cũng đã nói với các nhà khoa học, nông dân và chuyên gia chính sách tại Hiệp hội khoa học Hoàng gia, Học viện khoa học quốc gia của Anh rằng cần phải giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu trong khi vẫn đảm bảo sản xuất lương thực cho dân số thế giới đang ngày càng tăng hiện nay, điều này có nghĩa là “nông nghiệp thích ứng với khí hậu” là giải pháp duy nhất trong tương lai.
Ông Beddington cho hay Ngân hàng Thế giới sẽ nỗ lực đưa nông nghiệp vào chương trình nghị sự của các lãnh đạo trên thế giới khi họ nhóm họp vào cuối năm để đàm phán thỏa thuận về khí hậu tại Kỳ họp thứ 17 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Durban, Nam Phi.
Khoảng 70% đến 80% khí thải của ngành nông nghiệp gây hiệu ứng nhà kính như nitơ oxít xuất phát từ việc sản xuất và sử dụng phân bón nitơ. Vì vậy, phải đáp ứng việc tăng sản xuất lương thực trong tương lai mà không được sử dụng phân bón quá mức. theo lời của Gordon Conway, Tiến sĩ phát triển quốc tế tại Đại học Imperial London. Ông Conway cũng dự đoán “cây phân bón” Faidherbia albida sẽ là lựa chọn của tương lai, đặc biệt cho nông dân tại châu Phi. Các cây phân bón này đưa ni tơ vào trong đất và làm đất có khả năng cho sản lượng ngô châu Phi gấp 4 lần mà không cần bón thêm phân hóa học.
Tuy nhiên, ông David Powlson, một nhà khoa học nghiên cứu về đất đã nghỉ hưu và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Reading, Vương quốc Anh tỏ ra thận trọng. Ông cho rằng việc sử dụng phân bón của các quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng phát triển của nước đó, đặc biệt với châu Phi là nơi đất đai nghèo các chất dinh dưỡng thiết yếu như ni tơ và phốt pho.
Tình trạng tiêu cực do sử dụng phân bón ni tơ quá mức ở các nước khác như Trung Quốc không thể coi là lý do để không sử dụng phân bón ni tơ tại châu Phi, ông nói.
Ông Keith Goulding, một nhà hóa học nghiên cứu đất tại Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Rothamsted tại Harpenden, Vương quốc Anh, cùng những người đồng nghiệp của mình đang nghiên cứu các biện pháp khác giúp giảm khí thải từ nông nghiệp gây hiệu ứng nhà kính. “Chúng tôi đang tìm cách kiểm soát sự mất ni tơ trong đất”, ông phát biểu tại hội nghị.
Ông Goulding cùng nhóm của mình đang nghiên cứu loại vi sinh vật trong đất có đặc tính chuyển hóa ni tơ (từ phân bón ni tơ) thành ni tơ ô xít thoát ra ngoài không khí. Họ hy vọng có thể kiểm soát được loại vi sinh vật này hoặc gene của chúng, từ đó hạn chế việc mất ni tơ trong đất.
Các kết quả sơ bộ cho thấy khi mật độ ni tơ trong đất tăng, có sự thay đổi số lượng bản sao của một số gene vi sinh vật có chức năng mã hóa những enzyme chính làm chuyển hóa ni tơ và gây thất thoát khỏi đất. Tuy nhiên với đất thí nghiệm khi có hoặc không có bổ sung phân bón thì hầu như không có khác biệt về thành phần xuất hiện các gene vi sinh vật, theo kết luận của các nhà nghiên cứu. “Các gene xuất hiện không nhất thiết là các gene tích cực hoạt động” Goulding nói. Các nhà nghiên cứu này cố gắng định dạng hoạt động của các gene chứ không chỉ đơn thuần sự xuất hiện hoặc số bản sao của chúng.
Trong một thí nghiệm liên quan, họ cũng phát hiện thấy nếu đất khô và sau đó ẩm một cách đột ngột thì sẽ thoát ra nhiều nitơ ôxít hơn, đây là kịch bản sẽ xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo những người nông dân nên giữa độ ẩm cho đất để giảm chất thải ni tơ ô xít thoát ra khỏi đất.
Đầu năm nay, một nhóm 13 nhà khoa học bao gồm cả ông Beddington đã bắt đầu công việc của mình tìm ra biện pháp để đạt được một nền nông nghiệp bền vững góp phần củng cố an ninh lương thực, mặt khác giúp giải quyết được vấn đề ảnh hưởng từ thay đổi khí hậu. Các nhà khoa học tham gia hợp tác trong Hội đồng Nông nghiệp bền vững và Biến đổi khí hậu, và đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Washington DC vào ngày 15 tháng 2. Họ sẽ tập hợp các kết quả nghiên cứu trong một bản báo cáo gửi các nhà lãnh đạo trên thế giới tại kỳ họp Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Durban, Nam Phi vào cuối năm.
(Natasha Gilbert, Nature News)