Huy động các nguồn lực đầu tư cho KH&CN, ĐMST

Tại hội nghị Triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019 diễn ra vào sáng ngày 21/1/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần có sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của KH&CN và đầu tư cho KH&CN, không chỉ ở các bộ ngành trung ương mà còn cả địa phương để “KH&CN thực sự là động lực, là yếu tố quan trọng bậc nhất để chúng ta có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay có thể phát triển nhanh và bền vững”.

Hội nghị triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019 diễn ra vào sáng ngày 21/1/2019. Ảnh: Đình Nam

Nhìn lại năm 2018, thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã nêu một số kết quả nổi bật: sự quan tâm từ trung ương đến địa phương đã tạo động lực cho phát triển KH&CN, lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong xã hội; cơ chế chính sách về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kH&CN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo những mô hình kinh doanh tiên tiến; nghiên cứu và nâng cao năng lực tiếp cận CMCN4 được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN được mở rộng để phối hợp giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt tận dụng các thành tựu của CMCN 4.

Đánh giá cao những kết quả đó nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là nỗ lực không chỉ của những nhà quản lý khoa học, các nhà nghiên cứu ở các cơ sở nhà nước mà còn là những người ở trong các đơn vị ngoài công lập, “những người không có học hàm học vị nhưng vẫn nỗ lực trực tiếp và gián tiếp góp phần cho sự phát triển của KHCN nước nhà”, đồng thời ông cũng chỉ ra những bất cập vẫn còn tồn tại trong ngành KH&CN, thể hiện trong các lĩnh vực cơ chế tài chính đầu tư cho khoa học, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…, do đó vai trò của KH&CN trong xã hội và nền kinh tế vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức.

Cần cái nhìn rộng và tổng thể để thấy vai trò của KH&CN

Nhắc đến báo cáo của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chỉ số xếp hạng 90/100 về khoa học và nhân lực trình độ cao của Việt Nam không chỉ liên quan đến KH&CN mà còn liên quan đến cả các vấn đề chính sách, môi trường kinh doanh… Do đó, nói đến chỉ số này cũng như “nói đến năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia mà chỉ nói đến Bộ KH&CN, không biết đằng sau đấy còn là cả các bộ ngành. Bộ KH&CN không chỉ làm việc một mình mà còn là cơ quan đầu mối, tham mưu cho các cấp ủy chính quyền để điều phối công việc”.

Nhìn rộng ra, vấn đề về khoa học không chỉ liên quan đến Bộ KH&CN mà còn liên quan rất mật thiết đến các bộ ngành khác. Trong khi đó, có một tình trạng phổ biến hiện nay trong các chính sách về KH&CN là sự nhìn nhận một cách riêng rẽ của từng bộ ngành, “chính sách liên quan đến đầu tư là Bộ Kế hoạch và đầu tư tự nhận thức, kế hoạch tài chính là Bộ Tài chính nhận thức”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Để có được cái nhìn tổng thể và đúng đắn về KH&CN, ông cho rằng giải pháp cần xuất phát từ những người trong cuộc, “Bộ KHCN và tôi là những người phải có trách nhiệm đầu tiên, mình cũng phải nói rõ hơn, phân tích kỹ hơn… Cứ nói nhận thức đúng mà tổ chức [công việc, tư vấn chính sách] lại không đúng, thì suy cho cùng là nhận thức các anh chưa tới”. Có như vậy, ngành KH&CN mới có thể thuyết phục được  các cơ quan bộ ngành trung ương đến doanh nghiệp cùng hiểu rõ được vấn đề và đầu tư cho khoa học một cách đúng đắn.

Mặt khác, các sở KH&CN các địa phương cũng cần phát huy sáng tạo vai trò của mình trong việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương về thực thi chính sách cũng như triển khai các chương trình KH&CN. Vì vậy theo Phó Thủ tướng, “câu chuyện làm KH&CN ở địa phương vẫn loay hoay quanh chuyện dùng kinh phí phần nhiều liên quan đến chính công tác, nhiệm vụ của các sở và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong nông nghiệp”, rất ít việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, một trong những giải pháp thiết thực để nêu bật được vai trò của KH&CN là “anh em cần tham mưu cho địa phương, mời các sở ban ngành ở địa phương cùng đến thảo luận, thuyết trình, nói chuyện một số bộ chỉ số về đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia mà Bộ KH&CN được giao để làm sao cải thiện môi trường kinh doanh, tránh tình trạng cứ nói CMCN 4 không biết cụ thể là cái gì”, Phó Thủ tướng nói. Do vậy ông lưu ý, “từng đồng chí giám đốc sở phải là đầu mối theo dõi bộ tiêu chí mà Bộ KH&CN được chỉ định phụ trách”.

Khi nhận thức đúng đắn về KH&CN lan tỏa trong xã hội, không chỉ ở các cấp trung ương và địa phương, không chỉ ở các cơ quan nhà nước mà ở khối doanh nghiệp tư nhân sẽ đầu tư cho KH&CN thích đáng hơn. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “nếu hiểu được bản chất của hoạt động khoa học là phải có rủi ro”, không chỉ có lợi là ngành KH&CN áp dụng được những cách thức quản lý khoa học của các quốc gia phát triển, có những cởi mở về cơ chế tài chính, thủ tục hành chính – “vẫn còn vô cùng nhiêu khê” mà còn giúp cho “tất cả nguồn lực trong xã hội được phân phối cho KH&CN một cách minh bạch hơn, thuận lợi hơn, cho những doanh nghiệp doanh nhân phát huy đầu tư cho R&D một cách đúng đắn”.

Phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN năm 2019 là khởi thông các nguồn lục, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp, đồng thời tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia.

Nhìn lại các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, có thực tế là “tất cả các cơ chế của chúng ta đã có nhưng hầu như vẫn còn chưa đủ để các doanh nghiệp tự nguyện đầu tư cho KH&CN”. Lấy ví dụ nhiều quốc gia trên thế giới có những chính sách khuyến khích bằng việc cho hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn với những doanh nghiệp đạt các mốc đầu tư cho R&D, ông thẳng thắn nhận định, “chúng ta chưa có điều đó”.

Các bộ, ngành cần “tiếp tục có cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của ĐMST, có nhiều viện nghiên cứu tư nhân và DN chủ động đầu tư vào KH&CN, sao cho các công bố quốc tế – nhất là những phát minh, sở hữu công nghiệp – chủ yếu phải từ khối này”. Cần rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST của Bộ KH&CN trong năm 2019, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có “một cơ chế, không chỉ để doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN mà còn để cho những sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao có thể thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế” với sự hỗ trợ thực sự của Chính phủ.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)